(Ảnh minh họa: tiengchuong.vn) |
Nhức nhối tình hình sử dụng ma túy
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, huy động các ngành, các cấp triển khai nhiều biện pháp đẩy lùi tệ nạn ma túy. Mặc dù chúng ta đạt được nhiều thành tích, kết quả đáng mừng trong các hoạt động ngăn chặn và triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển và ổ nhóm tổ chức sử dụng ma túy, trong công tác cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện nhưng tình hình tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp.
Theo thống kê từ Bộ Công an, tính đến cuối tháng 5/2014, cả nước có gần 183 người nghiện (tăng 0,8% so với năm 2013); 45 địa phương có số người nghiện tăng; 18 địa phương có số người nghiện giảm. Trong số người nghiện ma túy, trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 0,02%; từ 16 tuổi đến dưới 30 tuổi chiếm 50%.
Đáng lưu ý, theo số liệu khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tình hình sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng tăng nhanh, nhất là tại các thành phố lớn và một số tỉnh phía Nam. Nếu như năm 2009 chỉ có khoảng 7,2% số người đang được cai nghiện tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đã từng sử dụng ma túy tổng hợp hay chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) như hàng “đá” (Methamphetamine), “thuốc lắc” (Ecstasy) hay “hồng phiến” (Amphetamine) thì tới năm 2013 tỷ lệ này là 25,7%. Một số địa phương tỷ lệ học viên các trung tâm cai nghiện đã từng sử dụng ATS rất cao như: Đà Nẵng (74%), Tây Ninh (61%), Trà Vinh (49%), Vũng Tàu (44%), Ninh Thuận (40%), Tiền Giang (39%). Hầu hết số học viên sử dụng ATS có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Không ít trường hợp này đã phạm tội giết người do bị bệnh hoang tưởng.
Những con số này cho thấy thực trạng sử dụng ma túy rất đáng báo động trong một bộ phận xã hội hiện nay. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy đang gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn đầu tiên được chỉ ra là công tác tuyên truyền chưa trọng tâm vào nhóm người có nguy cơ sử dụng ma túy và người đang sử dụng ma túy, trong khi hoạt động bán lẻ ma túy tại cộng đồng ngày càng tinh vi, lan rộng nên số người nghiện mới vẫn gia tăng.
Một khó khăn nữa được đưa ra là Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về lĩnh vực cai nghiện có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 nhưng quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, việc đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay chưa triển khai được do các hướng dẫn về thủ tục tư pháp chưa đầy đủ, đặc biệt là hướng dẫn của Bộ Y tế về xác định tình trạng nghiện.
Tại một số địa phương đang tồn tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện của tư nhân không được phép cấp phép, thực hiện phác đồ điều trị chưa được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép nhưng có rất nhiều người đang tham gia cai nghiện. Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương đã tổ chức kiểm tra và xử phạt hành chính các cơ sở này. Tuy nhiên, việc xử phạt chỉ được thực hiện với các hành vi như hoạt động không có giấy phép kinh doanh, không có hợp đồng lao động... trong khi chưa có chế tài về việc xử phạt hành chính với các cơ sở cai nghiện sử dụng các phác đồ, các bài thuốc chưa được cấp phép dẫn đến nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên tồn tại.
Bộ LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác quản lý sau cai nghiện chưa thực sự được các địa phương quan tâm trong khi quản lý và chăm sóc sau cai nghiện chính là yếu tố quan trọng để giúp duy trì hiệu quả, tính bền vững của các hoạt động cai nghiện. Trong triển khai, công tác phối hợp quản lý các đối tượng sau cai nghiện của chính quyền địa phương còn gặp nhiều bất cập. Theo quy định của pháp luật hiện hành, công tác quản lý sau cai nghiện chủ yếu tập trung vào khâu tư vấn, tác động tâm lý, sau đó là định hướng học nghề và tạo việc làm cho đối tượng. Việc này không chỉ được thực hiện trực tiếp vào đối tượng mà còn với gia đình của đối tượng, cộng đồng dân cư nơi đối tượng sinh sống. Từ đó, bản thân đối tượng có động lực vươn lên, gia đình đối tượng biết cách động viên, quản lý con em theo hướng phát huy khả năng của họ, còn cộng đồng xã hội có cách nhìn nhận đúng đắn, thông cảm, không kỳ thị. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết các địa phương sau khi tiếp nhận người sau cai nghiện đều bàn giao cho ngành công an và tổ chức quản lý một cách cứng nhắc...
Huy động sức mạnh tổng hợp đấu tranh phòng, chống ma túy
Nghiện ma túy không chỉ hủy hoại đến sức khỏe của con người mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, bần cùng; là nguyên nhân dẫn đến phạm tội và gây mất trật tự, an toàn xã hội. Những tác hại và hậu quả của nghiện ma túy đang tác động và gây ảnh hưởng đến từng ngày, từng giờ đến toàn xã hội. Cần phải xác định công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ hết sức gay go, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi toàn dân phải chung sức và quyết tâm cao. Và rõ ràng, cần phải sử dụng một hệ thống đồng bộ các giải pháp nhằm trực tiếp vào nguyên nhân của nó và lấy phòng là chính.
Trước mắt, cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy đến từng đối tượng, nhất là đối tượng có nguy cơ cao nghiện ma túy, đến cơ quan, đơn vị, trường học, khu phố, tổ dân phố, hộ gia đình.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống ma tuý; có chính sách khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý, đặc biệt là công tác điều trị nghiện, dạy văn hoá, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ, không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma tuý.
Tổ chức khen thưởng, biểu dương động viên người tốt, việc tốt trong cán bộ, công chức, viên chức, cán sự xã hội tình nguyện, người cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình, người sau cai nghiện thành công và người dân có thành tích trong công tác phòng, chống ma túy.
Song song với các giải pháp trên, cần tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về thí điểm mô hình cai nghiện và hỗ trợ sau cai tại cộng đồng, trung tâm cai nghiện mở, điều trị tự nguyện tại cộng đồng; tiếp nhận chương trình tư vấn điều trị nghiện ma túy và đưa vào đào tạo cho hệ thống cán bộ ngành...
Từ năm 1987, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 26/6 hằng năm là Ngày quốc tế phòng, chống ma túy.
Tại Việt Nam, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tháng 6 hằng năm là "Tháng hành động phòng, chống ma túy" và 26/6 là "Ngày toàn dân phòng, chống ma túy" nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống ma túy và tác hại của tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự trong đời sống nhân dân.
Năm nay, Liên hợp quốc chọn “Nghiện ma túy có thể phòng ngừa và điều trị" là chủ đề của Ngày quốc tế phòng, chống ma túy. Chủ đề này cũng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy trên toàn quốc.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm đề nghị các cấp, các ngành, cán bộ, nhân dân và các em học sinh, sinh viên cùng nhau chung sức trong công tác phòng, chống ma tuý. “Hãy nói không với ma tuý, không sử dụng ma tuý, không tổ chức sử dụng ma tuý, không thử ma tuý, không rủ rê, lôi kéo người khác và không để người khác rủ rê, lôi kéo mình sử dụng ma tuý. Tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình, bạn bè đồng nghiệp và các tầng lớp nhân dân nơi cư trú, đặc biệt là các thanh, thiếu niên về tác hại của tệ nạn ma tuý và cách phòng tránh để không nghiện ma tuý. Tích cực đấu tranh tố giác tội phạm về ma tuý, tham gia giúp đỡ hỗ trợ người cai nghiện, người điều trị nghiện ma tuý. Quyết tâm phấn đấu xây dựng xã, phường, thị trấn cơ quan, đơn vị trường học của mình trong sạch không có có ma tuý, không có người nghiện hút ma tuý” là những thông điệp mà Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm gửi gắm nhân ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy./.
Theo dangcongsan.vn