Tội phạm mua bán người có thể bị phạt tù 20 năm

Thứ năm - 19/06/2014 00:00 77 0
Theo quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì tội mua bán người và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

Đối với tội mua bán người (Điều 119) quy định: Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm: Vì mục đích mại dâm, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, để đưa ra nước ngoài, đối với nhiều người, phạm tội nhiều lần. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23 tháng 07 năm 2013 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thì hành vi mua bán người “Vì mục đích mại dâm” là trường hợp mua bán người nhằm phục vụ cho hoạt động mua bán dâm (như: mua bán người rồi đưa họ đến các ổ mại dâm hoặc tổ chức cho họ bán dâm...). Mua bán người “Có tính chất chuyên nghiệp” là trường hợp người phạm tội mua bán người từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy các lần mua bán người làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc mua bán người làm nguồn sống chính.

Đối với trường hợp phạm tội từ 05 lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng các tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”, “đối với nhiều người”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “có tính chất chuyên nghiệp”.

Đối với tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120) quy định: Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vì động cơ đê hèn; đối với nhiều trẻ em; để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; để đưa ra nước ngoài; để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; để sử dụng vào mục đích mại dâm; tái phạm nguy hiểm; gây hậu quả nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP cũng quy định, “Mua bán trẻ em” là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi: Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua; mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán; mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác.

 “Đánh tráo trẻ em” là hành vi thay thế trẻ em này bằng trẻ em khác ngoài ý muốn của cha mẹ, người nuôi dưỡng hoặc người quản lý hợp pháp của một hoặc cả hai đứa trẻ. “Chiếm đoạt trẻ em” là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em nhằm chiếm giữ đứa trẻ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó.

Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi trên đối với trẻ em bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

Ninh An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây