Công an Việt Nam và Trung Quốc phối hợp giải cứu và bàn giao nạn nhân của một vụ buôn bán người |
Thông tin trên được Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết tại Hội nghị báo cáo kết quả hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, diễn ra ngày 2/7.
Cưỡng bức lao động và tình dục
Theo báo cáo của Liên hợp quốc và Tổ chức Lao động quốc tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 800.000 - 1.000.000 người bị mua bán, trong đó trên 80% là phụ nữ và các bé gái, trên 55% là vị thành niên và có khoảng 20,9 triệu người bị cưỡng bức lao động và lao động tình dục.
Tại Việt Nam, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người đang diễn ra ngày càng phức tạp, xu hướng tăng và quốc tế hóa. Đặc biệt, loại tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới như: Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào. Không chỉ xảy ra tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em, nạn mua bán đàn ông, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê cũng diễn ra phổ biến.
Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cho biết, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 80%), phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, dân trí thấp, bị lừa bán từ nông thôn ra thành thị, từ các khu công nghiệp, từ trong nước ra nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam vừa là địa bàn xảy ra, vừa là địa bàn trung chuyển đi các nước.
Diễn biến phức tạp
Thống kê từ báo cáo của các địa phương cho thấy, từ khi thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người đến nay (từ năm 2006 - 2013) cả nước xảy ra hơn 3.200 vụ, với gần 5.600 đối tượng, lừa bán hơn 7.000 nạn nhân. So với cùng thời gian trước, tăng hai lần số vụ, 2,5 lần số đối tượng và ba lần số nạn nhân.
Thủ đoạn phổ biến mà bọn tội phạm thường sử dụng là đưa ra những lời hứa hẹn về việc làm có thu nhập cao đối với những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm, văn hóa thấp, rồi tìm cách đưa ra nước ngoài bán. Mặt khác, nhiều đối tượng cũng lợi dụng sơ hở trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội về hôn nhân, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, đi thăm, du lịch… để lừa gạt những người nhẹ dạ.
Từ năm 2005 đến nay, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá gần 3.000 vụ, bắt trên 4.600 đối tượng phạm tội mua bán người, tổ chức tiếp nhận gần 6.000 nạn nhân bị mua bán trở về. Riêng 25 địa phương biên giới đã khám phá hơn 1.400 vụ, bắt hơn 2.100 đối tượng (chiếm 47% tổng số vụ trên toàn quốc). Tòa án nhân dân các cấp xét xử hơn 1.600 vụ với 3.000 bị cáo.
Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, bên cạnh những kết quả đạt được, hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều hoạt động mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tập trung, còn nhiều bất cập. Nguyên nhân cơ bản là thiếu khung pháp lý hợp tác song phương, đa phương; thiếu cơ chế, thủ tục, trình tự, kỹ năng phối hợp giải quyết các vụ việc mua bán người cụ thể với các quốc gia và vùng lãnh thổ… Do tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp gia tăng, cũng như lợi nhuận từ việc buôn bán người, loại tội phạm này được dự báo là sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Từ năm 2006 - 2013, cả nước xảy ra hơn 3.200 vụ mua bán người, với gần 5.600 đối tượng, lừa bán hơn 7.000 nạn nhân. Riêng năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, xảy ra gần 700 vụ, với hơn 1.100 đối tượng, lừa bán hơn 1.300 nạn nhân, trong đó trên 80% nạn nhân bị bán ra nước ngoài.