Phòng chống mua bán người trong cả nhận thức và hành động

Thứ hai - 01/12/2014 00:00 127 0
Thực trạng mua bán phụ nữ, trẻ em và cả nam giới ở nước ta hiện nay nói riêng và thế giới nói chung đang là một vấn nạn, diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng ở quy mô toàn cầu. Theo kết quả thống kế của Cơ quan chức năng, hàng năm trên thế giới có khoảng 800.000 - 1.000.000 người bị buôn bán, khoảng 12 triệu người bị cưỡng bức lao động chân tay và lao động tình dục.

 

 

Đối với nam giới có khả năng lao động, bọn tội phạm sử dụng những chiêu trò lừa đảo bằng cách hứa giúp đỡ qua nước ngoài làm việc nhẹ với mức lương cao rồi lừa gạt đem bán để bóc lột sức lao động, ngày nay có rất nhiều ngành nghề sử dụng lao động nhập cư để làm những việc mà người dân sở tại không muốn làm như: đánh cá, sản xuất nông nghiệp, khai thác mỏ, xây dựng,...Rất nhiều người rơi vào tình trạng bị cưỡng bức lao động, buộc phải làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, trên các tàu đánh cá xa bờ... Họ thường bị lạm dụng cả về thể xác lẫn tinh thần, việc các nạn nhân bị đe dọa đánh đập, bóc lột sức lao động, xâm hại thể chất diễn ra thường xuyên. Nạn nhân phải hứng chịu những tổn thương tâm tâm sinh lý, bị tổn hại tới sức khỏe và thậm chí là cả tính mạng.

Đối với nữ giới, bọn tôi phạm sử dụng chiêu trò lừa đảo bằng cách bẫy tình của những gã trông vẻ ngoài bảnh bao, hết lòng chiều chuộng người yêu nhưng thực chất bên trong là dã tâm lừa tình lấy lòng tin rồi đưa đi bán vào những ổ mại dâm, nạn nhân nữ bị lạm dụng tình dục và bốc lột sức lao động đến kiệt sức.

Đa số nạn nhân bị bọn tội phạm lừa bán là do thiếu hiểu biết về pháp luật và thiếu thông tin về thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm mua bán người nên dễ bị đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn về tương lai, cuộc sống tốt đẹp ở ngoại quốc dẫn đến việc bị lừa trước các thủ đoạn tinh vi, sự móc nối liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước.

Gần đây nhiều nhất là tình trạng phụ nữ bị lừa bán qua Trung Quốc. Đối tượng phạm tội không cho biết về lai lịch thật của mình, chúng tìm hiểu và gặp gỡ nạn nhân trao đổi, hứa hẹn để đưa nạn nhân ra nước ngoài. Do thiếu hiểu biết và sự chủ quan, mất cảnh giác của nạn nhân nên khi xảy ra vụ việc, người thân của nạn nhân không có được thông tin về lai lịch của đối tượng  phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Đa phần các đối tượng tội phạm về các tỉnh nghe tìm hiểu, dụ dỗ những phụ nữ thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để lôi kéo, môi giới kết hôn trái phép với người nước ngoài, sau đó bảo lãnh qua định cư. Do không có người thân, bỡ ngỡ nơi đất khách, bị lệ thuộc về kinh tế, bị tịch thu giấy tờ tùy thân nên nhiều trường hợp nạn nhân phải cam lòng ở lại và bị ép làm nô lệ tình dục hoặc cưỡng hiếp. Có nhiều trường hợp nạn nhân bị ép làm gái mại dâm ở nước ngoài, sau một thời gian lại trở thành đối tượng cầm đầu đường dây mua bán người trái phép. Họ trở về chính quê hương của mình để tiếp tuc dụ dỗ các chị em ở quê để đem bán.

Hiểu để phòng và hành động để chống

Đối với từng gia đình, cần nâng cao nhận thức cho mọi thành viên về hậu quả, tác hại của nạn mua bán người đối với bản thân, gia đình và xã hội. Các bậc cha mẹ nên quan tâm, giáo dục các thành viên trong gia đình biết thương yêu, đoàn kết, gắn bó, ngăn ngừa bạo lực gia đình, đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Các bậc phụ huynh cần quan tâm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, không để trẻ em bỏ học, lao động sớm.

Để phòng ngừa nạn mua bán người, người dân cần xây dựng lối sống lành mạnh, không sa vào các tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu chè,... có ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm mua bán người, trước những lời dụ dỗ, hứa hẹn về việc làm hoặc lấy chồng nước ngoài. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ đối tượng chủ mưu, cầm đầu, môi giới mua bán người cần thông báo ngay cho công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất. Cần tham khảo ý kiến của người thân bạn bè trước khi đi làm ăn xa, tìm hiểu kỹ nơi mình định đến, người môi giới. Khi đi khỏi địa phương phải báo cáo chính quyền địa phương, thông báo địa chỉ nơi đến, giữ mối liên lạc thường xuyên với gia đình.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành chức năng cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến mua bán người nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, hậu quả, tác hại của tội phạm mua bán người. Cách phòng tránh và kỹ năng tự bảo vệ mình trước tội phạm mua bán người. Ngoài ra, cần cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho những người muốn di cư, những người muốn kết hôn với người nước ngoài, quan tâm, giúp đỡ những phụ nữ, trẻ em trong các gia đình gặp khó khăn về việc làm, đời sống. Tăng cường các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, hỗ trợ những người bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng để ổn định cuộc sống.

Cát Tường

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây