Phòng, chống mua bán người vẫn là thách thức

Thứ ba - 26/11/2013 00:00 55 0
Tội phạm mua bán người (MBN) ngày càng nóng bỏng, nhức nhối mà mỗi quốc gia đang phải nỗ lực quan tâm giải quyết. Ở nước ta, nạn MBN diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng và quốc tế hóa, không chỉ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, nòi giống, lối sống, thuần phong mỹ tục, pháp luật mà còn trực tiếp đến ANTT.

 

 

Với phương châm "phòng là chính", công tác phòng ngừa tội phạm được triển khai sâu rộng và thiết thực, giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ bản thân. Lực lượng Công an, Biên phòng mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh quyết liệt, bóc gỡ các đường dây, băng nhóm tội phạm MBN quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia. Những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động hợp tác quốc tế phòng, chống MBN những năm qua đã được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, hàng loạt bất cập, hạn chế trong phòng, chống MBN cũng đã bộc lộ khá rõ. Tại nhiều địa phương, công tác này chủ yếu "giao khoán" cho công an. Cách tổ chức thực hiện công tác phòng, chống MBN ở một số địa phương còn hình thức, thiếu kế hoạch, biện pháp cụ thể , thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nên hiệu quả thấp. Truyền thông, giáo dục, phổ biến pháp luật còn dàn trải, chưa lồng ghép với thực hiện chương trình kinh tế, xã hội nên số PNTE bị lừa bán và có nguy cơ cao còn nhiều.

Hiện đang tiềm ẩn nhiều đường dây, băng, ổ, nhóm hoạt động ngầm, song công tác nắm tình hình còn hạn chế. Việc điều tra, khám phá án chủ yếu từ tin báo của quần chúng và người bị hại tố giác... Ngoài ra, do thiếu các hiệp định, thỏa thuận quốc tế, nên công tác phòng, chống tội phạm MBN gặp rất nhiều khó khăn trong phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra xác minh, truy bắt tội phạm cũng như giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.

Thực tế đã chứng minh, phòng, chống MBN là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Bởi vậy, các địa phương cần chủ động lồng ghép và tiến hành đồng bộ các biện pháp kinh tế, hành chính, pháp luật, trên cơ sở đẩy mạnh chăm lo giải quyết việc làm và thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất tinh thần nhân dân, đặc biệt là người vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến để tạo dựng phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người.

Lực lượng Công an, Biên phòng chủ động, tích cực, thường xuyên thực hiện công tác điều tra cơ bản: Nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người, nhất là số hoạt động theo đường dây, băng nhóm; xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm; lên danh sách các nạn nhận bị bán, nghi bị bán ra nước ngoài; số cò mồi, môi giới dẫn dắt…Từ đó, có kế hoạch, bố trí lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác lập chuyên án đấu tranh ngăn chặn; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp đề xuất xử lý kịp thời và nghiêm minh các đối tượng bị bắt giữ. Điều tra, khảo sát nắm chắc số nạn nhân trở về để đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ nạn nhân.

Trên cơ sở các hiệp định song phương, đa phương giữa Chính phủ Việt Nam với các nước, các địa phương cần chủ động, phối hợp với các địa phương đối đẳng trao đổi thông tin, nhất là thông tin liên quan đến hoạt động tội phạm, phối hợp xác minh, điều tra, bắt giữ tội phạm và giải cứu, tiếp nhận nạn nhân một cách kịp thời, có hiệu quả; tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật của cộng đồng quốc tế trong thực hiện các dự án phòng, chống tội phạm mua bán người phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và xã hội hóa công tác này.

MN

 

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây