|
Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài luôn phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác tuyên truyền cho bà con nông dân vùng giáp biên.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 34/CT-BTL của Bộ Tư lệnh BĐBP về phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và an ninh trật tự khu vực biên giới, cuối năm 2006, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh Tây Ninh ra Chỉ thị 29/CT-UBND về tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh.
Đến nay, sau 8 năm thực hiện, phong trào đã thật sự lan toả rộng khắp trên địa bàn 5 huyện biên giới, nhất là tại các ấp, xã vùng biên. Có thể nói phong trào đã kết nối được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Nói về hiệu quả của phong trào, Đại tá Cao Văn Vĩnh- Phó Chính uỷ BĐBP Tây Ninh cho biết, thời gian qua, các đơn vị cơ sở trong BĐBP Tây Ninh tập trung tuyên truyền, vận động các ấp, xã, các hộ gia đình cư trú, sản xuất ở gần đường biên, mốc giới phát huy tinh thần làm chủ, tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp, tích cực đấu tranh chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; chủ động giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trên biên giới, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động vi phạm quy chế khu vực biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, phát triển.
Trong 8 năm qua, quân – dân biên giới Tây Ninh đã cụ thể hoá phong trào bằng nhiều mô hình, việc làm thiết thực, cụ thể mang lại hiệu quả cao, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Điển hình như trên địa bàn 3 xã biên giới Long Thuận, Tiên Thuận và Lợi Thuận của huyện Bến Cầu, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài làm tốt công tác tuyên truyền vận động đến từng tổ, ấp vùng biên, đến từng hộ dân đang canh tác tiếp giáp đường biên giới, giúp cho bà con hiểu rõ về quan điểm, đối sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề biên giới lãnh thổ, các nghị định, hiệp ước, thông cáo báo chí về biên giới; nói rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân vùng biên giới.
Bên cạnh đó, địa phương còn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với các xóm, ấp, các hộ gia đình đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, ấp. Đến nay, trên địa bàn 3 xã biên giới Long Thuận, Tiên Thuận và Lợi Thuận đã có 6 ấp, 15 tổ và 120 hộ đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm ấp.
Nói về kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào, Trung tá Trần Văn Thuôn- Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài, chia sẻ: “Phải gần dân, hiểu dân, tìm các biện pháp giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thì nhân dân sẽ tự giác cùng với BĐBP bảo vệ biên giới.
Với địa hình biên giới bằng phẳng, có nhiều đường mòn, lối mở qua lại, phía ngoại biên có nhiều casino, trường gà hoạt động, nếu không có nhân dân thì lực lượng BĐBP dù tăng gấp 5 lần quân số cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ, phải dựa vào dân và nhân dân là chủ thể trong công tác bảo vệ biên giới.
Do đó, để nhân dân hiểu được các quy định, hiệp định, quy chế biên giới, cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên bám dân, vừa giúp dân phát triển kinh tế, vừa tuyên truyền về các quy định, quy chế biên giới, để nâng cao ý thức trách nhiệm cho nhân dân trong bảo vệ biên giới và an ninh xóm, ấp”.
Trên địa bàn biên giới hai xã Tân Đông và Tân Hà, huyện Tân Châu trước đây thường xuyên xảy ra tình trạng nhân dân hai bên biên giới qua lại làm ăn, buôn bán, thăm thân, khám, chữa bệnh vi phạm quy chế biên giới.
Nhưng kể từ khi thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Tư lệnh BĐBP, sau đó là Chỉ thị 29 của UBND tỉnh Tây Ninh thì tình hình an ninh trật tự vùng biên ngày càng ổn định, đi vào nề nếp. Để đạt được những kết quả đó, huyện Tân Châu đã cụ thể hoá phong trào bằng những mô hình, việc làm thiết thực như: mô hình Tổ liên kết sản xuất vùng biên, “Mỗi ngày ra đồng là một lần tuần tra biên giới”.
Thiếu tá Mai Văn Hoà– Chính trị viên Đồn Biên phòng Kà Tum nhớ lại, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 29 của UBND tỉnh Tây Ninh, đơn vị duy trì đều đặn mỗi tuần một lần cử cán bộ VĐQC phối hợp cùng Ban Tư pháp xã Tân Đông đến các Tổ liên kết sản xuất vùng biên để bồi dưỡng cho bà con nông dân về kiến thức pháp luật như Luật Biên giới quốc gia, Quy chế khu vực biên giới, thông cáo báo chí cũng như các chủ trương, chính sách mới có liên quan đến đời sống của đồng bào biên giới để bà con hiểu rõ và chấp hành.
Đồng thời, thông qua công tác chuyên môn, các tổ, đội công tác biên phòng của Đồn thường xuyên hướng dẫn cho bà con canh tác giáp biên biết rõ vị trí, địa điểm lịch sử, các dấu hiệu thực địa của đường biên, cột mốc biên giới thuộc phạm vi xóm, ấp mình quản lý.
Từ đó, người dân tích cực tham gia các hoạt động cụ thể như giúp đỡ các đội phân giới cắm mốc, bảo vệ các cột mốc, cọc dấu làm rõ đường biên giới cũng như việc phát quang đường biên, cột mốc, giữ gìn các biển báo trên khu vực biên giới.
Cứ thế, hết mùa vụ này đến mùa vụ khác, bà con nông dân ở vùng biên này kiên cường bám đất, hằng ngày vừa lao động sản xuất vừa trông coi các dấu hiệu đường biên cột mốc, kịp thời phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm hiệp ước, vi phạm quy chế biên giới, vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia như: xâm canh, chăn thả trâu bò phá hoại hoa màu, buôn lậu, trộm, cướp vũ trang, xuất nhập cảnh trái phép...
Từ đó, thông qua công tác đối ngoại, lực lượng BĐBP Việt Nam đã cùng với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên đường biên giới chung giữa hai nước trên tinh thần đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau.
Bằng cách làm này, dân dựa vào quân, quân dựa vào dân, biên giới Tân Đông- Tân Hà luôn yên bình, hữu nghị, bà con yên tâm lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư vốn, giống, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đến nay đã có nhiều bà con nông dân thoát khỏi đói nghèo, vươn lên giàu có.
Có thể nói kể từ khi phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc được triển khai và nhân rộng trên khắp các địa bàn biên giới tỉnh nhà, thì lực lượng BĐBP tỉnh Tây Ninh như được “thêm tay, thêm mắt”.
Trong 8 năm qua, bà con nông dân trên vùng biên này đã cung cấp gần 9.000 nguồn tin có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.
Giúp cho các đồn biên phòng kịp thời xử lý nhiều vụ việc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, ngăn chặn và bắt giữ nhiều đối tượng tội phạm, buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép qua đoạn biên giới này.
Điển hình trong 5 năm trở lại đây, từ nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng trên khu vực biên giới cung cấp, lực lượng BĐBP Tây Ninh đã ngăn chặn được gần 400 vụ vi phạm quy chế khu vực biên giới, trong đó đã phát hiện và bắt giữ kịp thời 12 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý, 2 vụ mua bán vũ khí quân dụng trái phép, 95 vụ vận chuyển thuốc lá, xăng dầu, gỗ lậu qua biên giới, 8 vụ trộm cắp tài sản công dân đưa sang Campuchia tiêu thụ.
Không riêng gì trên địa bàn biên giới tỉnh Tây Ninh, mô hình quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, ấp, giờ đã được nhân rộng và trở thành phong trào lan toả khắp nẻo biên cương Tổ quốc.
Thấy được hiệu quả ấy, đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01 về việc tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Hiện nay, trên nền tảng thực hiện Chỉ thị 29 của UBND tỉnh, Tây Ninh đang từng bước củng cố, kiện toàn hệ thống ở cơ sở, bổ sung các nội dung theo đúng tinh thần Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các lực lượng và toàn dân, tạo ra phong trào sâu rộng khắp trong cả tỉnh cùng chung tay tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác ngày càng phát triển.
Theo BTNO