Nỗ lực rõ ràng nhất cho công tác phòng, chống mua bán người được thể hiện qua Chương trình 130 của Chính phủ về phòng chống tội phạm mua bán người. Những kết quả bước đầu đã đạt được với hàng chục vụ, hàng trăm đối tượng tổ chức dẫn dắt và có liên quan đến mua bán người bị các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý, hàng trăm nạn nhân từ nước ngoài được bàn giao, tiếp nhận để đưa về tái hòa nhập cộng đồng…
Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa đủ sức để gạt bỏ nghi ngại về công tác phòng, chống mua bán người có nguy cơ thành “công dã tràng”. Bởi, những nguyên nhân được cho là dẫn đến tình trạng “càng phòng, chống, tội phạm mua bán người càng lộng hàng” vốn dĩ là “muôn thủa” và chưa có tín hiệu cho thấy sẽ được triệt tiêu. Đa số các nạn nhân bị rơi vào “bẫy” hứa hẹn vật chất bởi họ đều có khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, trình độ nhận thức hạn chế do thất học. Ngoài ra, còn một bộ phận sa chân vào các đường dây mua bán người do suy đồi đạo đức, bị cuốn hút vào đời sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật.
Trong khi công tác truyền thông chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng, chỉ mới dừng lại ở một số địa bàn trọng điểm và vào các đợt cao điểm, đôi lúc còn dàn trải, chưa lồng ghép với thực hiện chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương, chưa chú ý phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống mua bán người.
Đặc biệt, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn yếu, chất lượng chưa cao, sức lan tỏa và tác động đến các nhóm đối tượng còn thấp… nên các đối tượng mua, bán người đã “tận dụng” để lừa gạt, dụ dỗ, ép buộc các nạn nhân trở thành “công cụ kiếm tiền” cho chúng.
Nhưng cũng không thể bỏ qua “lỗi” của các cơ quan chức năng. Theo Báo cáo khảo sát liên ngành về thực trạng công tác phòng, chống mua bán người tại các địa phương thì một nguyên nhân khiến công tác phòng, chống mua bán người còn hạn chế là công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội còn bất cập, sơ hở để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động.
Bất cập trong phòng, chống, nhưng ngay cả công tác tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về cũng còn nhiều lúng túng và bị động. Đến năm 2012, mới có khoảng 30% tổng số nạn nhân được hỗ trợ kinh phí hòa nhập cộng đồng… Khó khăn chồng chất khó khăn càng tạo điều kiện cho tội phạm mua bán người “phát triển hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận” này.
Trước khi Luật Phòng, chống mua bán người được ban hành, chính việc chưa có một văn bản luật về vấn đề này trong hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống mua bán người đã bị coi là “khiếm khuyết” ảnh hưởng rất lớn đến cảnh “cơ quan chức năng cứ cố phòng, chống còn tội phạm mua bán người thì vẫn… quyết liệt phát triển kinh doanh”.
Như nhận định của Chính phủ, “qui định pháp luật phân tán, chủ yếu là các văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý chưa cao, chưa mang tính đồng bộ và toàn diện…, chưa đáp ứng được một cách toàn diện, đầy đủ yêu cầu đấu tranh phòng, chống mua bán người trong điều kiện hiện nay”.
Vì thế về lý thuyết, Luật Phòng, chống mua bán người được ban hành đã “xử lý” được tình trạng đó. Song 6 tháng sau khi Luật phòng, chống mua bán người đã có hiệu lực, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội khóa XIII, chính Bộ trưởng Trần Đại Quang vẫn thừa nhận: “Đúng là hiện nay, tội phạm mua bán người rất bức xúc”. Hóa ra, Luật chưa phải “cây gậy thần” nên “sắp tới tình hình tội phạm mua bán người còn diễn biến phức tạp” như cảnh báo của người đứng đầu ngành Công an tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII vừa rồi.
Dự báo, tội phạm mua bán người sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với đối tượng nước ngoài đặt ra yêu cầu bức thiết phải có các giải pháp đồng bộ để bảo vệ tính mạng, nhân phẩm của công dân.
Mà trước hết, có lẽ phải cải thiện được điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức của toàn xã hội để hạn chế tối đa những người “vì miếng cơm manh áo” mà trở thành “hàng hóa” của tội phạm mua bán người. Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật vì một mình Luật Phòng, chống mua bán người vẫn chưa thể đối phó hiệu quả với nạn mua bán người như thực tiễn hơn 1 năm qua đã phản ánh.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác tái hòa nhận cộng đồng cho các nạn nhân để họ không từ nạn nhân thành tội phạm mua bán người như không ít trường hợp đã xảy ra, không “tái” thành nạn nhân vì “lạc lõng” với cuộc sống dưới thân phận nạn nhân… cũng là việc cần làm một cách thiết thực để phòng, chống mua bán người không phải là “dã tràng se cát biển Đông”.
Theo tuyentruyen.dongthap.gov.vn