Tạo việc làm cho gần 14.000 người cai nghiện

Thứ hai - 17/11/2014 00:00 67 0
Trong 2 năm 2011-2013, hơn 39.000 lượt người đã được dạy nghề, gần 14.000 người được tạo việc làm, hơn 2.000 người được vay vốn với tổng số tiền cho vay là gần 11 tỷ đồng.

 

 

Ngày 14/11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị Biểu dương và nhân rộng mô hình tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, trong 2 năm 2011-2013, hơn 39.000 lượt người đã được dạy nghề, gần 14.000 người được tạo việc làm, hơn 2.000 người được vay vốn với tổng số tiền cho vay là gần 11 tỷ đồng.

Tại các Trung tâm cai nghiện, học viên được học nghề kết hợp với lao động trị liệu, lao động sản xuất nhằm phục hồi sức khỏe. Các nghề được dạy phổ biến là cơ khí, may công nghiệp, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ, cắt tóc, mộc dân dụng…

Đối với những người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc hết thời hạn cai nghiệp tập trung, nếu có nhu cầu học nghề, được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Tại Việt Nam, ở nhiều tỉnh, thành phố đã có hàng nghìn người sau cai nghiện 3-5 năm chưa tái nghiện. Nhiều người từng nghiện nặng, nghiện nhiều năm những đã quyết tâm cai nghiện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được cộng đồng ghi nhận. Một số người hiện đang là chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng đều tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ đối tượng người cai nghiện.

Một số mô hình hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm đã đạt được các kết quả tích cực. Ví dụ như tại Lào Cai, các đoàn thể đã tư vấn và tín chấp giúp 55 hộ gia đình có người sau cai nghiện vay vốn phát triển kinh tế. Tại Cần Thơ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương hỗ trợ vốn cho 71 người với số tiền 300 triệu đồng. Tại Kiên Giang, chính quyền đã tổ chức cho 253 đối tượng sau cai học nghề, hỗ trợ 83 đối tượng cai nghiện được vay vốn xóa đói giảm nghèo…

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại thực tế là nhiều người cai nghiện từ trung tâm về địa phương chưa được quản lý chặt chẽ dẫn tới tái nghiện hoặc bỏ địa bàn đi nơi khác, không quản lý được; công tác dạy nghề cho người sau cai nghiện mới chỉ chú trọng ở các Trung tâm cai nghiện và chỉ dạy các nghề đơn giản như chế biến nguyên vật liệu, làm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, cần sửa đổi, bổ sung một số chính sách theo hướng tăng chế độ kinh phí đầu tư thiết bị, thời gian và kinh phí dạy nghề để người sau cai có đủ trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu lao động của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Theo chinhphu.vn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây