Tây Ninh: Đẩy mạnh hoạt động phòng, chống mua bán người

Thứ ba - 20/10/2015 16:00 61 0
Tội phạm mua bán người được cho là một trong những loại tội phạm nguy hiểm nhất ở Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng. Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nạn buôn bán người ở tỉnh ta diễn ra ngày càng phức tạp với số nạn nhân bị lừa bán bằng nhiều hình thức đa dạng.

 

nguoimb.jpg

Những nạn nhân của hành vi mua bán người.(Ảnh mang tính chất minh họạ)​

Theo số liệu từ Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh từ năm 2011 - 2015, toàn tỉnh Tây Ninh xảy ra 31 vụ, bắt 229 đối tượng, khởi tố hình sự 144 đối tượng. Cụ thể năm 2011: 04 vụ, bắt 13 đối tượng, khởi tố hình sự 10 đối tượng; năm 2012: 11 vụ, bắt 94 đối tượng, khởi tố hình sự 60 đối tượng; năm 2013: 06 vụ, bắt 61 đối tượng, khởi tố hình sự 32 đối tượng; năm 2014: 08 vụ, bắt 51 đối tượng, khởi tố hình sự 33 đối tượng. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh Tây Ninh xảy ra 02 vụ, bắt 10 đối tượng, khởi tố hình sự 09 đối tượng mua bán người. Các nạn nhân chủ yếu bị mua bán sang nước ngoài bằng nhiều hình thức như: lấy chồng nước ngoài, đi xuất khẩu lao động, bị bóc lột sức lao động và lừa bán vào các tụ điểm mại dâm,…         

Thủ đoạn của bọn buôn bán người rất tinh vi và xảo quyệt, nhưng có một điểm chung là chúng thường tìm cách tiếp cận đối tượng trực tiếp hoặc qua mạng Internet. Với các hình thức như lao động xuất khẩu ở nước ngoài, lấy  chồng ngoại quốc…và nhiều người đã vô tình trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người. "Con mồi" của bọn chúng thường là những cô gái mới lớn hay đua đòi, nhẹ dạ cả tin, những phụ nữ có trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn có nhu cầu tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hoặc có mâu thuẫn vợ chồng, gặp chuyện éo le trong hôn nhân, trẻ em  mồ côi không nơi nương tựa, thất học, lang thang kiếm sống hoặc lợi dụng sơ hở của các cơ quan chức năng trong quản lý an ninh, trật tự để thực hiện việc môi giới hôn nhân, cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài trái pháp luật và thực hiện hành vi mua bán người…

Trước thực trạng đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp trong công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người. Trong những năm qua, các ngành chức năng mà nòng cốt là lực lượng công an tỉnh Tây Ninh liên tục tăng cường quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, phối hợp đẩy mạnh đấu tranh, phát hiện, xử lý tội phạm. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, đoàn thể cũng tích cực phối hợp tổ chức các buổi tập huấn và tuyên truyền Luật phòng chống mua bán người, vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác và tích cực tham gia phát hiện tố giác tội phạm, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em gái ở những địa bàn có nguy cơ cao bị buôn bán nâng cao tinh thần cảnh giác để không trở thành nạn nhân "sa bẫy" của bọn buôn người; đồng thời, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp cơ sở về chất lượng, hiệu quả các mô hình hoạt động phòng chống mua bán người…

Tuy nhiên, các chương trình tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống mua bán người vẫn được tổ chức đều đặn hằng năm, nhưng chưa thực sự khiến đông đảo người dân tham gia, khiến cho số vụ buôn bán người vẫn diễn ra với tình hình ngày càng phức tạp.

Vì thế, để công cuộc phòng, chống nạn buôn bán người có hiệu quả, trong thời gian tới cần tăng cường chặt chẽ hơn nữa sự quản lý của Nhà nước và gia đình; tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người và Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015, đẩy mạnh công tác truyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nói chung, chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người nói riêng đến người dân nhất là những người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh về phòng, chống mua bán người; nên tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em về những âm mưu, thủ đoạn, nguyên nhân, hậu quả của nạn mua bán người, để họ tự bảo vệ và phòng tránh; đặc biệt xóa bỏ kì thị, phân biệt đối xử, tạo nhiều cơ hội về việc làm, hỗ trợ vốn, chia sẻ, động viên giúp nạn nhân có thể tự tin tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Hành vi mua bán người được xem là tội ác của bọn buôn bán người, bởi nó xâm phạm nghiêm trọng đến quyền của con người, tước đoạt sự tự do, an toàn của nhân loại. Vì thế, việc ngăn chặn nạn buôn bán người là một nhiệm vụ hết sức cấp bách và quan trọng. Theo đó, sự mạnh tay trong trấn áp tội phạm của Công an, sự quan tâm đúng mức của các cơ quan ban, ngành cùng với tinh thần tích cực phòng ngừa của toàn dân sẽ góp phần ngăn ngừa có hiệu quả hoạt động của loại tội phạm này.

                                                                                            

                                                                                                     Kim Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây