Thực tiễn đấu tranh phòng, chống buôn bán người của Việt Nam

Thứ tư - 19/06/2013 00:00 108 0
Trước diễn biến phức tạp của hoạt động buôn bán phụ nữ trẻ em, tháng 7/2004, chương trình phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em đã được nâng lên thành Chương trình quốc gia (Chương trình 130/CP)

 Thực tiễn đấu tranh phòng, chống buôn bán người của Việt Nam

1. Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động buôn bán phụ nữ trẻ em, tháng 7/2004, chương trình phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em đã được nâng lên thành Chương trình quốc gia (Chương trình 130/CP). Đồng thời, cùng với việc vào cuộc, sự chỉ đạo tập trung của các cấp lãnh đạo nhiều bộ, ngành, chính quyền các địa phương và sự nỗ lực của các lực lượng công an, biên phòng, bằng nhiều biện pháp cụ thể bước đầu đã làm chuyển biến nhận thúc và nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh trấn áp tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an các cấp vừa chủ động có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Biên phòng, Viện Kiểm sát, Toà án trong phối hợp, trao đổi thông tin, phát hiện điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về buôn bán phụ nữ trẻ em, vừa ra nhiều kế hoạch chỉ đạo quyết liệt công an các địa phương đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản tiến hành tổng điều tra, rà soát, đánh giá thực trạng tình hình hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em, xác định các tuyến, địa phương trọng điểm, đối tượng nổi lên, dựng lại các đường dây, băng ổ nhóm.

Theo báo cáo của các địa phương thực hiện Kế hoạch số 38/BCA về tổng điều tra rà soát từ năm 1998 đến nay, cả nước đã xác định 33 tuyến, 139 địa bàn trọng điểm thường diễn ra hoạt động buôn bán phụ nữ trẻ em ra nước ngoài; lên danh sách đưa vào diện quản lý nghiệp vụ 2.548 đối tượng, trong đó dựng lại 235 đường dây, với 654 đối tượng có liên quan đến hoạt động buôn bán phụ nữ trẻ em để có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn; lập danh sách 6.488 phụ nữ trẻ em bị bán ra nước ngoài, 7.940 phụ nữ trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nghi đã bị bán, đề nghị phía Trung Quốc, Campuchia xác minh 294 phụ nữ trẻ em đang có địa chỉ cụ thể ở Trung Quốc và Campuchia. Qua rà soát đến nay có khoảng 156.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, trong đó có hơn 42% kết hôn với người Trung Quốc, 31% kết hôn với người Đài Loan, 11% kết hôn với người Hàn Quốc, 16% còn lại kết hôn với người nước khác.

Để khép kín địa bàn, tránh sơ hở, chồng chéo, Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ký Quy chế phối hợp giữa lực lượng cảnh sát và biên phòng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em ở địa bàn biên giới, cửa khẩu và nội địa.

Trước tình hình hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em nổi lên ở 2 tuyến biên giới Việt - Trung, Việt Nam - Campuchia, Bộ Công an đã ra Kế hoạch số 1947/BCA (2005) và Kế hoạch số 1976/BCA (2006) phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, chỉ đạo Công an các tỉnh biên giới mở 2 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em trong 2 tháng 7, 8/2005 và năm 2006, duy trì giao ban về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em giữa Bộ với Công an các tỉnh biên giới và Công an Trung Quốc, Campuchia.

Lực lượng bộ đội biên phòng đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao cảnh giác, nhận thức pháp luật và nhận thức về thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em cho cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng và nhân dân khu vực biên giới. Công tác tuyên truyền đã có sự bám sát chỉ đạo của cấp trên, phù hợp với tình hình thực tế, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng hơn, do vậy đã tạo được dư luận mạnh mẽ, hướng dư luận xã hội vào việc tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ chiến sĩ và quần chúng nhân dân khu vực biên giới về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội cũng như công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em của bộ đội biên phòng. Đồng thời, công tác tham mưu cho địa phương trong việc lồng ghép chương trình phát triển kinh tế xã hội với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em, giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn gắn với xoá đói giảm nghèo cũng được chú trọng. Quần chúng nhân dân ở địa bàn biên giới đã cung cấp cho bộ đội biên phòng hàng trăm nguồn tin có giá trị phục vụ đấu tranh chuyên án, vụ án. Nhiều quần chúng đã tích cực tham gia trực tiếp truy bắt các đối tượng phạm tội, đối tượng truy nã ẩn náu ở khu vực biên giới.

Các đơn vị bộ đội biên phòng đã tích cực, chủ động, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ biên giới, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành chức năng ở địa phương, đặc biệt là lực lượng công an để phát hiện, ngăn chặn, chủ động xác lập chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, đấu tranh triệt phá được nhiều ổ nhóm, đường dây buôn bán phụ nữ trẻ em, bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng buôn bán phụ nữ trẻ em qua biên giới, dự báo tình hình phục vụ kịp thời cho công tác chỉ huy chỉ đạo.

2. Thực tiễn phát hiện, điều tra các vụ buôn bán phụ nữ trẻ em

Hàng năm lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã phát hiện, điều tra khoảng 200 - 300 vụ buôn bán phụ nữ trẻ em. Phần lớn phụ nữ trẻ em bị buôn bán sang Trung Quốc, số còn lại bị bán sang Campuchia. Gần đây qua đấu tranh đã phát hiện một số đường dây buôn bán phụ nữ trẻ em sang Cộng hoà Séc, Nga, Malayxia, Thái Lan, Ma Cao, Hồng Kông, Hàn Quốc.

Riêng năm 2006, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã điều tra khám phá 224 vụ, bắt 454 đối tượng phạm tội buôn bán phụ nữ trẻ em; Toà án nhân dân các cấp đã xét xử 123 vụ với 237 bị cáo. Trong số 237 bị cáo bị đưa ra xét xử có 38 bị cáo phải chịu hình phạt trên 15 năm tù, 77 bị cáo phải chịu hình phạt từ 7 - 15 năm, 123 bị cáo bị xử phạt tù với mức hình phạt dưới 7 năm, chỉ có 10 bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Trong năm 2006, số vụ, đối tượng, đường dây tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em bị phát hiện triệt phá đều tăng rõ rệt so với năm 2005 là do có sự tập trung chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục cảnh sát và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, sự phối kết hợp giữa trung ương với địa phương, giữa lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng trên các tuyến biên giới, đặc biệt là có sự điều tra cơ bản tại các tuyến và địa bàn trọng điểm, dựng được các băng nhóm, đường dây phạm tội để chủ động lập án đấu tranh. Riêng trong đợt cao điểm tấn công tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia (tháng 7-8/2006) cả nước đã điều tra, triệt phá 72 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em, bắt 150 đối tượng.

Các địa phương phát hiện triệt phá được nhiều đường dây tội phạm có quy mô lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang…

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội ngoài việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Công an các địa phương, trong 2 năm qua đã trực tiếp xác lập chuyên án và phối hợp với các địa phương đấu tranh triệt phá 18 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em có tính chất nghiêm trọng liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố (năm 2005: 6 vụ; năm 2006: 12 vụ) khởi tố và bắt 55 đối tượng, giải cứu 51 nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài. Nhìn chung, công tác đấu tranh trấn áp tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trong 02 năm qua ngày càng được đẩy mạnh, đã đánh trúng một số băng nhóm, đường dây tội phạm lớn, có tác dụng răn đe và kìm hãm hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em, nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trong toàn xã hội.

Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng công tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc xác định nạn nhân, thu thập chứng cứ và nắm bắt thông tin về các trường hợp phạm tội còn gặp nhiều khó khăn do tính chất phức tạp của tội phạm và thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội. Trong khi đó, tại các địa phương chưa có lực lượng chuyên trách đấu tranh chống loại tội phạm này nên công tác phát hiện triệt phá còn mang tính thụ động, nhiều vụ án không giải quyết được triệt để (còn để lọt tội phạm) hoặc kéo dài. Phương tiện thông tin liên lạc và cơ chế phối hợp giữa Cảnh sát Việt Nam với Cảnh sát các nước cũng còn nhiều bất cập.

3. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em

Để phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em có hiệu quả, hàng năm Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều h¬ướng dẫn, chỉ đạo các Viện kiểm sát địa ph¬ương xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện ch¬ương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em theo Chương trình 130/CP của Chính phủ.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Công an các tỉnh, thành phố và các lực lượng chức năng để nắm và quản lý tin báo, tố giác tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em, đồng thời rà soát các vụ án về tội buôn bán phụ nữ, trẻ em đã phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử, cử Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này.

Trong 6 năm, từ năm 2001 đến năm 2006 Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra 1099 vụ/2231 bị can phạm tội buôn bán phụ nữ, trẻ em, trong đó số vụ án mới khởi tố là 760 vụ và số bị can mới khởi tố là 1267 bị can. Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 721 vụ/ 1219 bị can, tạm đình chỉ điều tra 58 vụ/95 bị can. Toà án nhân dân các cấp đã xét xử 675 vụ/ 1157 bị cáo. Trong số này tỉ lệ số vụ án và bị can phạm tội mua bán phụ nữ chiếm tỉ lệ từ 2,5 - 3 lần số vụ án/ bị can phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Tính trung bình mỗi năm toàn quốc truy tố khoảng 88 vụ với 150 bị can phạm tội mua bán phụ nữ và khoảng 33 vụ với 53 bị can phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.

Nhìn chung, các vụ án đã được đưa ra truy tố, xét xử đều đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nhiều vụ đã được liên ngành địa phương chọn là án điểm để điều tra, truy tố, xét xử nhanh, kể cả đưa ra xét xử lưu động ở những xã vùng giáp biên nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều bị cáo đã bị xét xử với mức án cao đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này và được dư luận quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự trong đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến buôn bán người, các cơ quan chức năng gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc do thiếu nhiều quy định và hướng dẫn chi tiết. Nhiều vụ án có nhiều bị can, nhiều người bị hại, xảy ra trên địa bàn rộng và mang tính chất xuyên quốc gia… nên quá trình điều tra thường phải kéo dài, dẫn đến vi phạm tố tụng đã được quy định tại Điều 119 của Bộ luật tố tụng hình sự. Hoạt động hợp tác quốc tế và khu vực trong quá trình giải quyết các vụ án buôn bán phụ nữ, trẻ em những năm qua còn nhiều hạn chế và bất cập về cơ chế phối hợp trao đổi tin báo, tố giác về tội phạm; về việc hồi hương các nạn nhân; về thời hạn thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp và uỷ thác tư pháp; về việc phong toả, tạm giữ tiền, tài sản do phạm tội mà có… nên ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả việc xử lý loại tội phạm này.

4. Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự về các tội mua bán phụ nữ trẻ em

Trong những năm qua, ngành Tòa án đã xử lý nghiêm các vụ bị đưa ra xét xử về các tội mua bán phụ nữ trẻ em, Từ năm 2001 đến năm 2005 số vụ mua bán phụ nữ được đưa ra xét xử là 386 vụ (với 630 bị cáo trong đó 22 bị cáo hưởng án treo; 608 bị cáo bị phạt tù), số vụ mua bán trẻ em được đưa ra xét xử là 136 trẻ em với 229 bị cáo trong đó 26 bị cáo hưởng án treo, 203 bị cáo bị phạt tù). Tuy nhiên số vụ bị đưa ra xét xử chỉ là con số rất nhỏ so với các vụ mua bán phụ nữ, trẻ em trên thực tế.

Ngành Tòa án đã có nhiều cố gắng trong hoạt động xét xử để góp phần đấu tranh chống loại tội phạm này như ban hành các Thông tư liên ngành, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các văn bản hướng dẫn đường lối xét xử đối với tội mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em, tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động một số vụ án điểm để tuyên truyền giáo dục và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo phạm tội này nhất là những bị cáo có vai trò tổ chức, cầm đầu; cho hưởng án treo một số tên đồng phạm thứ yếu và rất hạn chế.

Qua số liệu thống kê về hình phạt đối với các bị cáo đã bị xét xử về tội mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em cho thấy ngành Tòa án các cấp trong cả nước đã chấp hành nghiêm chỉnh việc áp dụng các điều khoản của Bộ luật hình sự, các văn bản hướng dẫn đường lối xét xử loại tội phạm này.

Các vụ án xét xử của Tòa án được dư luận đồng tình và góp phần vào việc giữ vững kỷ cương, trật tự an toàn xã hội nói chung, làm hạn chế dần tệ nạn mua bán.

5. Tiếp nhận, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán

 Số phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về ngày càng tăng. Trong 02 năm 2005- 2006, đã có trên 1.200 nạn nhân bị buôn bán trở về, chủ yếu là tự trở về hoặc bị trục xuất. Thực tế số phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về còn lớn hơn rất nhiều so với các số liệu báo cáo của của các cơ quan hữu quan bởi điều kiện địa lý và tính chất của sự việc nên việc thống kê đầy đủ số liệu là vô cùng khó khăn.

Qua phân tích số liệu khảo sát tình hình nạn nhân trở về tại một số địa phương cho thấy, có tới 75% tự giải thoát trở về, 20% bị trả về qua con đường chính thức và 5% do bọn tội phạm buôn người bị tố giác, phát hiện thả ra cho về. Nhìn chung, số phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về chiếm tỷ lệ rất thấp so với số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Theo kết quả khảo sát ở một số địa phương, số này chỉ mới chiếm khoảng 8%. Như vậy, còn một số lượng rất lớn số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán vì nhiều lý do khác nhau vẫn chưa được xác định.

Thời gian qua, công tác tiếp nhận nạn nhân chủ yếu dưới hình thức không chính thức, nên việc quản lý và hỗ trợ đối tượng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, Nhà nước cũng chưa có chính sách, chế độ cụ thể để hỗ trợ cho những phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Kết quả khảo sát sơ bộ tại một số địa phương cho thấy số phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về chủ yếu là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; trình độ văn hóa thấp kém (70% mù chữ, 30% ở trình độ biết đọc, biết viết); hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có nhà cửa, không đất đai canh tác, thường xuyên thiếu ăn, việc làm không ổn định; mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; có tâm lý vẫn mặc cảm, xấu hổ. Một số người không làm được chứng minh nhân dân, không nhập được hộ khẩu nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, con cái không làm được giấy khai sinh, cộng đồng kỳ thị, phân biệt đối xử. Chính quyền địa phương không quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để đối tượng hòa nhập cộng đồng. Bản thân đối tượng không biết cơ quan nào quản lý, giải quyết các vấn đề vướng mắc của họ. Mặc dù đã có quy trình thống nhất về xác định và tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện còn chậm; chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc về cơ chế kinh phí cho công tác tiếp nhận, hỗ trợ nên kết quả thực tế còn hạn chế. Cơ chế phối hợp liên ngành trong việc tiếp nhận, phục hồi, tái hoà nhập cộng đồng và hỗ trợ các dịch vụ pháp lý, y tế, xã hội, lao động việc làm cho nạn nhân bị buôn bán trở về còn chưa nhịp nhàng, đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.

Theo http://www.lamdong.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây