Từ năm 2011 đến nay, đối tượng cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh có đến 145 người, 100 người cai nghiện tự nguyện trong khi chỉ có 2 người cai nghiện ma túy bắt buộc tại gia đình và cộng đồng. Đối với công tác quản lý sau cai nghiện ma túy, theo ghi nhận của cơ quan chức năng thuộc TP.Tây Ninh, tổng số người sau cai nghiện ma túy là 145 người (số người sau cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Tỉnh: 46 người; số người quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú: 71 người). Trong đó, số người sau cai nghiện có việc làm: 29 người; người không có việc làm: 12 người; người bỏ địa phương hoặc bị bắt đi tù: 15 người; người tái nghiện: 15 người và người còn thời gian cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm hiện nay là 28 người.
Những năm qua, UBND thành phố Tây Ninh đã có những hành động thiết thực để giúp đỡ và quản lý chặt chẽ số lượng người nghiện ma túy, người sau cai nghiện trên địa bàn. Đối với công tác tuyên truyền, UBND TP. Tây Ninh đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục và tư vấn, cảm hóa giúp người nghiện ma túy tại xã, phường đến ấp, khu phố để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời vận động gia đình đối tượng thực hiện cai nghiện với nhiều hình thức như: cai nghiện tại cộng đồng và tại gia đình, hoặc đưa đi cơ sở cai nghiện theo hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện. Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện các chính sách về chăm sóc sức khỏe, học nghề, hỗ trợ việc làm, tham gia các hoạt động của địa phương,... nhằm hỗ trợ cho người nghiện ma túy ổn định cuộc sống. Một số đối tượng sau cai nghiện khi trở về địa phương đã tự tìm việc làm và ổn định cuộc sống. Có được những kết quả đó là nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể từ xã, phường đến ấp, khu phố, nhất là Đội công tác xã hội tình nguyện tại địa phương và sự tham gia nhiệt tình của gia đình đối tượng trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.
Tuy nhiên, nhận thức của một số đối tượng sau cai nghiện ở địa phương còn hạn chế, gây khó khăn cho địa phương trong việc phối hợp thực hiện các chế độ chính sách có liên quan. Mặt khác, Đội công tác xã hội tình nguyện ở các xã, phường do mới thành lập nên công tác chuyên môn nghiệp vụ và quản lý đối tượng ở địa phương chưa sâu sát, kịp thời. Một số đối tượng sau cai nghiện tại nơi cư trú mặc dù có hộ khẩu thường trú nhưng trên thực tế lại không có mặt thường xuyên tại địa phương, các phường, xã không đủ dụng cụ y tế, phòng chức năng, đội ngũ y, bác sĩ chuyên môn để phục vụ người cai nghiện….
Để nâng cao công tác sau cai nghiện ma túy trên địa bàn, UBND thành phố đã kiến nghị ngành cấp trên tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác phòng, chống ma túy cho cán bộ làm công tác tình nguyện ở các xã, phường, đồng thời hỗ trợ kinh phí để địa phương trang bị thêm các dụng cụ y tế, phòng chức năng và bác sĩ chuyên môn đảm bảo cho việc thực hiện công tác cai nghiện tại cộng đồng tốt hơn theo quy định tại Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trước khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì đối tượng phải có thời gian cai nghiện bắt buộc tại gia đình và cộng đồng.
Trong thời gian tới, trên toàn địa bàn thành phố Tây Ninh sẽ thực hiện đồng bộ các loại hình thông tin, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết về thực trạng, tình hình và tác hại của tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống tệ nạn ma túy với các chính sách, chương trình kinh tế - xã hội, các dự án, đề án có liên quan với công tác phòng, chống tệ nạn ma túy như: hỗ trợ vốn, học nghề, tạo việc làm cho người sau cai. Phối hợp với các ban, ngành có liên quan kiểm tra chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; quy hoạch từng loại hình kinh doanh dịch vụ, điểm vui chơi phù hợp với nhu cầu thực tế của các tầng lớp dân cư. Tổ chức cho tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm đăng ký đầy đủ và cam kết không để các hoạt động ma túy và các tệ nạn xã hội khác xảy ra trên địa bàn.
T.Giang