Cụ thể, về tội phạm hình sự đã điều tra, khám phá 22.002 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 45.261 đối tượng, triệt phá 1.469 băng nhóm tội phạm các loại, trong đó có nhiều băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm. Về tội phạm kinh tế, tham nhũng đã phát hiện 7.025 vụ phạm tội về kinh tế, tham nhũng, nhiều hơn 3,23% so với cùng kỳ năm 2013, điều tra làm rõ nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, ngân hàng gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Việc đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, đã phát hiện 6.076 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt hành chính 1.367 tổ chức và 2 4.603 cá nhân. Với công tác truy nã tội phạm, đã bắt, thanh loại, vận động đầu thú gần 5000 đối tượng, trong đó có trên 1.000 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 32.551 vụ với 59.060 bị can. Toà án nhân dân các cấp đã xét xử 33.308 vụ án với 60.180 bị cáo. Đã xác định 1.287 vụ án điểm, phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tổ chức 3.649 phiên toà xét xử lưu động, qua đó góp phần giáo dục ý thức pháp luật và trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân.
Tuy nhiên, nhìn chung tình hình các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp trong khi đó một trong những hạn chế lớn hiện nay là công tác dự báo tội phạm chưa tốt, kinh phí phòng chống tội phạm còn eo hẹp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm phòng chống tội phạm 6 tháng cuối năm mà Ban Chỉ đạo 138/CP yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường là phát hiện, xử lý kịp thời không để xảy ra việc lợi dụng phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam để biểu tình gây rối. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền cá biệt đến các đối tượng có nguy cơ phạm tội, xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm có hiệu quả. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác nghiệp vụ phòng ngừa tội phạm của lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các ngành chức năng Hải quan- Thuế. Tập trung thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm có tổ chức tại 18 địa bàn trọng điểm; tiếp tục triển khai công tác nắm tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Chỉ đạo duy trì hoạt động của mô hình kết hợp các lực lượng chủ động phòng ngừa tội phạm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, chú trọng các địa phương có nhiều địa bàn phức tạp, tội phạm hoạt động mạnh.
Kết luận cuộc họp Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tội phạm còn lộng hành, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 138/CP là phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống tội phạm, nhất là trong bối cảnh tình hình các loại tội phạm đang diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi như hiện nay. Nếu lòng dân bất ổn, hoang mang thì khó có thể ổn định để phát triển kinh tế- xã của đất nước. Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm thời gian qua, trong đó điển hình là công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu cho cấp uỷ chính quyền còn lúng túng, bị động thể hiện qua việc xử lý các vụ biểu tình gây rối ở Hà Tĩnh, Bình Dương vừa qua. Đó là việc phải hết sức rút kinh nghiệm. Ngoài ra việc để tồn tại nhiều băng nhóm tội phạmm hoạt động theo kiểu xã hội đen như hiện nay, gây bất an trong nhân dân là chưa được chúng ta phải tập trung giải quyết (cả nước vẫn còn 615 băng nhóm tội phạm). Một vài nơi còn có hiện tượng đối tượng tội phạm móc ngoặc với cơ quan chức năng để được che chắn hành vi phạm tội. “Phải làm rõ có tình trạng bảo kê cho các băng nhóm này không. Để xảy ra các loại tội phạm có nguyên nhân vì lợi ích cục bộ hay không?…”Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng “nước ta còn khó khăn, nhưng phải đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân”, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, công an, quân đội phải quyết liệt chống tội phạm, địa phương nào cần thêm lực lượng để chống tội phạm thì báo cáo Ban chỉ đạo để trao đổi với Bộ Công an tăng cường cảnh sát cơ động. Phó Thủ tướng yêu cầu từ nay đến cuối năm, quyết liệt tổ chức các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, kiên quyết xử lý các băng nhóm tội phạm. Nơi nào có tội phạm người đứng đầu nơi đó (bí thư, chủ tịch) phải chịu trách nhiệm.
Quang Dững