Phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em: người dân cần đề cao cảnh giác

Thứ sáu - 29/08/2014 00:00 79 0
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đang diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng không chỉ trong nước, trong khu vực mà trên toàn thế giới.

 

 

Theo số liệu của ngành chức năng, cho đến nay, ở Việt Nam đã có hàng chục nghìn phụ nữ, trẻ em bị buôn bán để làm gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, họ bị bóc lột tình dục, bị bóc lột sức lao động trong những điều kiện tồi tệ. Tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em đã trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của toàn xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến phong tục tập quán, đạo đức xã hội, pháp luật của nhà nước, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, tiềm ẩn những nhân tố xấu về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đang ngày càng gia tăng và có dấu hiệu ngày càng phức tạp, nguy hiểm. Tính chất và hệ lụy của vấn nạn này đang làm ảnh hưởng xấu đến xã hội, làm ám ảnh, tổn thương tinh thần, thể xác của các nạn nhân,...

Phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của các ngành chức năng mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội. Hiện nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với các nước trong khu vực, ký kết các Hiệp định hợp tác song phương với các nước láng giềng để tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng, chống mua bán người. Song song đó, Nhà nước cũng đã và đang triển khai nhiều biện pháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống nhà trường và trong cộng đồng dân cư; biện pháp phục hồi, hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phòng chống tội phạm, ... nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư, ngăn chặn và phòng ngừa tình trạng mua bán người trên phạm vi cả nước.

Mặc dù vậy, tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý một số nguyên nhân sau đây:

Do điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Mặt khác, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo càng sâu sắc, tình trạng thiếu việc làm vẫn còn gay gắt ở một số địa bàn. Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ em thất học dễ bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt,…

Việc giáo dục trong phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được chú trọng đúng mức, một bộ phận thanh thiếu niên bị lôi cuốn vào đời sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật. Công tác truyền thông chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng mà chỉ mới dừng lại ở một số địa bàn trọng điểm và vào các đợt cao điểm, đôi lúc còn dàn trải, chưa lồng ghép với thực hiện chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương, chưa chú ý phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống mua bán người.

Công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội còn bất cập, nhất là trong quản lý người nước ngoài, quản lý hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài… Công tác điều tra cơ bản nắm tình hình chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Công tác phát hiện các vụ việc có liên quan còn mang tính thụ động, hầu như mới chỉ dựa vào đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình. Bên cạnh đó, công tác rà soát tình hình và điều tra tội phạm mua bán người chưa được tiến hành thường xuyên, chưa đánh giá được đúng thực trạng tình hình và làm rõ được nguyên nhân, điều kiện, quy luật, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm.

Người dân cần đề cao cảnh giác

Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, hiện cả nước có hơn 100.000 phụ nữ vượt biên, xuất cảnh với mục đích lấy chồng nước ngoài. Trong số này bao gồm cả những người vượt biên trái phép để tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, cư trú trái phép để tìm cách kết hôn với người nước ngoài rồi ở lại định cư. Từ động cơ tìm cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo khổ, nhiều người vô tình dấn thân vào con đường phi pháp. Không ít phụ nữ, trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người. Kết cục chung của họ thường là bị bóc lột tình dục, cưỡng ép lao động, thậm chí nhiều trường hợp đã tử vong tại nước ngoài. Những kẻ buôn người thường tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm, cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng ở địa bàn khu vực biên giới để dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em đi tìm việc làm nhưng thực chất là lừa đảo đem bán.

Bọn buôn người tập trung chọn phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, đặc biệt là thanh niên đua đòi thích ăn chơi, lười lao động, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết để tiếp cận làm quen, dụ dỗ. Chúng thường lợi dụng sự nhẹ dạ của các thiếu nữ để làm quen, lừa đảo bằng thủ đoạn tìm việc làm, yêu đương, rủ đi tham quan du lịch để mang sang bên kia biên giới, đưa vào các động mại dâm hoặc đẩy tới những vùng sâu, vùng xa để làm vợ bất hợp pháp.Thủ đoạn mới nhất là chúng dùng các mạng xã hội như Facebook, Wechat,... để tìm đối tượng rồi làm quen. Từ đó tìm cách rủ đối tượng đi chơi tại các tỉnh có địa bàn biên giới để lên kế hoạch, móc nối với các đối tượng nước ngoài để đưa nạn nhân qua các đường tiểu ngạch để vượt biên...

 Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, người dân cần đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm như: Vẽ ra viễn cảnh cuộc sống tươi đẹp, sung sướng để rủ rê, mời mọc, hoặc hứa hẹn đi làm ăn xa với thu nhập cao từ những mối quan hệ không quen hoặc những người quen nhưng bỏ địa phương đi lâu ngày không rõ lý do, các bật cha mẹ không nên giao con em mình cho những người không rõ lai lịch.

Cát Tường

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây