Bài 2: Còn nhiều việc phải làm

Thứ bảy - 27/08/2022 23:00 172 0
Những hạn chế trên cũng là một trong những nguyên nhân trả lời cho câu hỏi tại sao Tây Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành nghị quyết chuyển đổi số nhưng nhận thức và hành động về chuyển đổi số còn chậm và thứ hạng DTI thấp hơn mức trung bình cả nước.


Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH khảo sát thực tế tại Trung tâm GSĐH kinh tế, xã hội tập trung (Sở TT&TT).

Trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố, Tây Ninh ở vị trí số 44 với 0,3426 điểm. Tuy tăng 2 bậc so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nước (0,4595 điểm); mức tăng trưởng DTI của tỉnh chỉ đạt 27,55% trong khi cả nước là 32,7%. Đánh giá, phân tích chỉ số DTI cấp tỉnh năm 2021 cho thấy Tây Ninh vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Sớm tháo gỡ bất cập về cập nhật, tích hợp, liên thông dữ liệu

Vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức đoàn giám sát về kết quả ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển chính quyền số do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái làm trưởng đoàn, khảo sát thực tế tại một số đơn vị, địa phương, trong đó có Phòng Chỉ huy - điều hành UBND tỉnh, Trung tâm Giám sát, điều hành (GSĐH) kinh tế, xã hội tập trung tỉnh (Sở TT&TT). Trung tâm GSĐH tập trung đưa vào vận hành với 3 chức năng chính: giám sát, điều hành và tổng hợp, đáp ứng yêu cầu điều hành đô thị thông minh của tỉnh. Theo đó, các phân hệ của Trung tâm thực hiện thu thập và xử lý thông tin từ các hệ thống chuyên ngành, phục vụ công tác phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan và hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo UBND tỉnh. Trung tâm GSĐH kinh tế, xã hội tập trung tỉnh đã triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân và doanh nghiệp. Nổi bật là hệ thống giám sát an ninh và giao thông, giám sát an toàn thông tin, phản ánh hiện trường 1022 Tây Ninh, ứng dụng Tây Ninh Smart...

Mặc dù được xác định là một trong những “đột phá” của tỉnh trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, nhưng sau 2 năm vận hành, hệ thống này vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả.

Theo phản ánh của lãnh đạo các đơn vị liên quan và Sở TT&TT, khó khăn hiện nay là cơ sở dữ liệu các ngành còn ít và chưa đầy đủ; số lượng camera trên địa bàn tỉnh chưa phủ khắp; nhân sự CNTT trình độ cao còn thiếu. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành của nhiều sở, ngành trên địa bàn tỉnh còn lúng túng do bộ, ngành Trung ương chưa có hướng dẫn về các tiêu chí, chỉ tiêu quản lý chuyên ngành.

Dữ liệu của một số ngành do các bộ, ngành Trung ương quản lý tập trung, chưa có hướng dẫn chia sẻ hoặc chỉ mới kết nối và chia sẻ dữ liệu ở mức hạn chế, gây khó khăn khi liên thông, tích hợp với các hệ thống của tỉnh. Cụ thể, hệ thống của ngành Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải chưa được kết nối; hệ thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội, Tư pháp cho liên thông nhưng chưa cho đồng bộ dữ liệu.

Theo ông Phạm Hùng Thái, từ những thông tin được cung cấp và kết quả khảo sát cho thấy, Trung tâm GSĐH tập trung tuy được đầu tư hiện đại nhưng chưa phát huy được vai trò, hiệu quả như mong đợi.

Cơ sở dữ liệu đầu vào của Trung tâm chưa được cập nhật đầy đủ, đồng bộ, kịp thời nên chưa phát huy hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh. Thực tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua cũng thấy rõ bất cập này, đó là cập nhật cơ sở dữ liệu về tiêm chủng vaccine, xét nghiệm sàng lọc rất rối, không chính xác, kịp thời.

Cơ chế phối hợp trong cập nhật dữ liệu và tích hợp, khai thác, quản lý dữ liệu chưa tốt; các phần mềm không đồng bộ. Đây là những vấn đề mấu chốt cần được lãnh đạo đơn vị, Sở TT&TT sớm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn để dữ liệu, số liệu của Trung tâm GSĐH bảo đảm luôn “sống”, kịp thời, chính xác, thực sự là hiện đại, phát huy hết công năng. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn an ninh mạng, nâng cao chất lượng tương tác trực tuyến giữa người dân với chính quyền các cấp.

Phát biểu tại buổi làm việc với Sở TT&TT, ĐBQH Trần Hữu Hậu cho biết: “Ứng dụng CNTT có 3 vấn đề quan trọng, đó là phục vụ tác nghiệp cho CBCCVC trong hệ thống cơ quan nhà nước, chuyển từ làm bằng tay sang làm trên phần mềm; tổng hợp số liệu, dữ liệu để lưu trữ, truy xuất, sử dụng; phục vụ cho lãnh đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị.

Dựa trên 3 vấn đề trên, qua giám sát, vấn đề tác nghiệp cơ bản chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt sử dụng phần mềm Văn phòng điện tử eGov được đưa sử dụng thống nhất, kể cả các cơ quan khối Đảng. Tuy nhiên, tương tác giữa các cơ quan nhà nước với nhau đang có vấn đề- đó là dữ liệu chưa liên thông, kết nối, cản trở những bước tiếp theo về tổng hợp, lưu trữ, truy xuất, sử dụng dữ liệu và phục vụ cho lãnh đạo, điều hành. Đây là vấn đề khó nhưng có thể xử lý được về mặt kỹ thuật, cái khó lớn nhất nằm trong chính tư duy người lãnh đạo, tư duy làm chính sách đang đi theo cảm tính, không coi trọng con số, dữ liệu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, có kiến nghị Bộ TT&TT, Chính phủ sớm xử lý vấn đề này”.

Chỉ số DTI dưới mức trung bình cả nước

Theo bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2021 của Bộ TT&TT vừa công bố, Tây Ninh ở vị trí số 44 với 0,3426 điểm. Tuy tăng 2 bậc so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nước (0,4595 điểm); mức tăng trưởng DTI của tỉnh chỉ đạt 27,55% trong khi cả nước là 32,7%.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích từng chỉ số thành phần của DTI, lãnh đạo Sở TT&TT đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số này trong năm tới. Về thể chế, Sở TT&TT sẽ tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành các chính sách theo hướng dẫn của Bộ như chính sách thuê chuyên gia công nghệ số, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Liên quan đến nguồn lực phục vụ chuyển đổi số, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí ngân sách bảo đảm chi với tỷ lệ khoảng 1% tổng chi ngân sách hằng năm và giai đoạn 2021-2025.

Để cải thiện chỉ số “nhân lực số”- hiện chỉ đạt mức điểm rất thấp, xếp hạng 54/63 tỉnh, thành, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần rà soát, quyết định thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng, cử tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn để tổ hoạt động hiệu quả. Sở TT&TT sớm tham mưu UBND tỉnh quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ về chuyển đổi số vào chức năng, nhiệm vụ của Sở, tham mưu thành lập Trung tâm chuyển đổi số; phối hợp sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh có cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực CNTT, an toàn thông tin phục vụ chuyển đổi số của tỉnh.

Về tuyên truyền nâng cao nhận thức chuyển đổi số, Phó Giám đốc Sở TT&TT Huỳnh Thanh Nam cho biết, Sở đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền trên nhiều kênh, ngoài tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, Tây Ninh Smart, phối hợp các cơ quan báo chí của tỉnh mở chuyên mục chuyển đổi số. Tuy nhiên, công tác truyền thông chuyển đổi số chỉ đạt hiệu quả tốt khi mỗi sở, ban, ngành, địa phương phải tự làm truyền thông cho ngành mình, địa phương mình.

Các sở, ngành và địa phương cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề góp ý, thắc mắc của người dân bảo đảm chất lượng, kịp thời, tạo niềm tin cho người dân tham gia xây dựng chính quyền và giải quyết các vấn đề của địa phương trên nền tảng số, không gian mạng nhiều hơn.

Cũng theo báo cáo của lãnh đạo Sở TT&TT, có thực tế hiện nay một số người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xem chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là một trong những giải pháp giúp cải thiện hiệu suất lao động. Dẫn đến một số cơ quan, đơn vị chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hoặc có xây dựng nhưng chỉ đưa ra các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chưa quan tâm việc số hoá dữ liệu, xây dựng dữ liệu số cho ngành, địa phương và thúc đẩy sử dụng dữ liệu số, nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.

Những hạn chế trên cũng là một trong những nguyên nhân trả lời cho câu hỏi tại sao Tây Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành nghị quyết chuyển đổi số nhưng nhận thức và hành động về chuyển đổi số còn chậm và thứ hạng DTI thấp hơn mức trung bình cả nước.

Qua đợt giám sát, bên cạnh ghi nhận các kiến nghị của Sở TT&TT và các đơn vị, địa phương, đoàn giám sát đề nghị Sở TT&TTT sớm rà soát, tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh có báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 sau hai năm thực hiện nghị quyết, trong đó đánh giá kết quả, phân tích nguyên nhân hạn chế, khó khăn và giải pháp để đạt mục tiêu nghị quyết đề ra.

Bên cạnh đó, tham mưu tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số cho lãnh đạo sở ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân để tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và xây dựng cơ chế trách nhiệm cụ thể đối với các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Bởi vì chuyển đổi số không phải là nhiệm vụ riêng của ngành TT&TT mà cần sự vào cuộc, chuyển động ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương từ tỉnh tới cơ sở, trong toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo baotayninh.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây