Cục Thuế Tây Ninh: Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế

Thứ tư - 26/07/2017 10:00 266 0
Hiện nay, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý là điều rất cần thiết và được các ngành, các cấp hết sức quan tâm. Trong công tác quản lý thuế, những năm qua, ngành Thuế cũng đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cải cách chính sách, bổ sung quy trình, nghiệp vụ quản lý thuế, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu cấp bách về cải cách thủ tục hành chính thuế.

Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) được xác định là ứng dụng quản lý thuế cốt lõi, tập trung của ngành Thuế. Do đó, ngành Thuế luôn xác định việc theo dõi, vận hành, quản trị và nâng cấp ứng dụng TMS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trong năm 2016, ngành Thuế đã nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng TMS, đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế và các quy trình quản lý thuế. Ðến ngày 31.12.2016, Cục Thuế đã triển khai thành công hệ thống ứng dụng TMS tại văn phòng Cục Thuế và 9/9 Chi cục Thuế các huyện-thành phố, đáp ứng được hầu hết các yêu cầu nghiệp vụ thuế như quản lý hồ sơ, đăng ký thuế, xử lý tờ khai, xử lý quyết định, xử lý miễn giảm thuế, xử lý hoàn thuế, xử lý qua uỷ nhiệm thu, kế toán thuế, quản lý nợ...

Ðến nay, hệ thống ứng dụng khai thuế điện tử cũng đã hỗ trợ người nộp thuế trong hầu hết các hồ sơ khai thuế như: tờ khai lần đầu/bổ sung, tờ khai theo từng lần phát sinh, tờ khai quyết toán thuế, báo cáo tài chính, báo cáo hoá đơn, biên lai thu phí, lệ phí phải nộp theo quy định...

Ðến cuối tháng 12.2016, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai cho các doanh nghiệp tại văn phòng Cục Thuế và 9/9 các Chi cục Thuế trực thuộc. Toàn tỉnh hiện có 3.148 doanh nghiệp đăng ký kê khai điện tử- đạt 99,21% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, văn phòng Cục Thuế có 418/420 doanh nghiệp đăng ký, cấp Chi cục Thuế có 2.730/2.753 doanh nghiệp đăng ký.

Cùng với các ứng dụng trên, nộp thuế điện tử cũng là một trong những dịch vụ điện tử được ngành Thuế quan tâm, góp phần vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Dịch vụ này cho phép người nộp thuế lập giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế, và được ngân hàng thương mại (NHTM) xác nhận kết quả giao dịch nộp thuế tức thời. 

Ðến nay, ngành Thuế đã nâng cấp hệ thống, vận hành và giám sát hạ tầng kỹ thuật chặt chẽ, liên tục, ổn định, đáp ứng yêu cầu khai và nộp thuế điện tử trong kỳ; đồng thời, Cục Thuế Tây Ninh cũng phối hợp với 43 NHTM tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ.

Ðến tháng 12.2016, toàn tỉnh có 3.090 doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ với ngân hàng- đạt tỷ lệ 97,38%; trong tháng 12.2016, số chứng từ nộp thuế điện tử là 1.245- đạt tỷ lệ 58,75%, số tiền nộp thuế điện tử trong tháng trên 203,2 tỷ đồng- đạt tỷ lệ 77,37%.

Bên cạnh đó, công tác triển khai hệ thống an ninh thông tin rất được ngành Thuế quan tâm. Trong năm 2016, rất nhiều các giải pháp quan trọng về an ninh thông tin được triển khai để tăng cường bảo vệ hạ tầng CNTT của ngành trong tình hình mới.

Cụ thể như, hệ thống truy cập internet tập trung giúp cho việc truy cập internet an toàn; các giải pháp tường lửa thế hệ mới, giải pháp ngăn chặn truy nhập trái phép (IPS), giải pháp phòng chống tấn công có chủ đích (APT) giúp ngăn chặn phát hiện các cuộc tấn công theo hình thức mới...

Tuy nhiên, Cục Thuế Tây Ninh cũng cho biết, hạn chế của việc ứng dụng CNTT trong quản lý thuế hiện nay là trình độ ứng dụng CNTT của các doanh nghiệp còn chưa đồng đều, nhiều doanh nghiệp còn trang bị thiết bị máy tính cấu hình thấp, đường truyền tốc độ chậm, nên đã ảnh hưởng tới việc thực hiện dịch vụ thuế điện tử.

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hầu như không có số dư trên tài khoản tại các NHTM để phục vụ nộp thuế điện tử. Một số doanh nghiệp còn tâm lý e ngại về mức độ bảo mật, an toàn khi thay đổi phương thức nộp thuế từ nộp trực tiếp sang nộp điện tử.

Chi phí cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng còn cao nên nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa tham gia kê khai thuế qua mạng internet, kéo theo việc không tham gia nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó, các tổ chức cung cấp chữ ký số chưa có chính sách khuyến khích khi doanh nghiệp mua thêm chứng thư số.

Theo Cục Thuế, ngày 8.9.2016, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tây Ninh ban hành Công văn số 632/TNI-TH&KSNB gửi các chi nhánh NHTM Tây Ninh về việc thực hiện nộp thuế điện tử, tuy nhiên kết quả mang lại chưa cao, đến nay vẫn thực hiện thu thuế tại quầy, một số NHTM thu phí chuyển tiền đối với giao dịch NTÐT...

Ðể tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện NTÐT góp phần cải cách thủ tục hành chính thuế, Cục Thuế đã kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đề nghị các NHTM đã cung cấp dịch vụ NTÐT không thu phí chuyển tiền đối với giao dịch NTÐT vào ngân sách Nhà nước.

Trong thời gian tới, Cục Thuế Tây Ninh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng ứng dụng CNTT, chất lượng dữ liệu quản lý thuế; thường xuyên đôn đốc, rà soát, cập nhật, kiểm soát số liệu trên ứng dụng đầy đủ, kịp thời và chính xác; thường xuyên tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ ngành Thuế sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng của ngành; phối hợp với Tổng cục trong việc giải quyết các yêu cầu hỗ trợ ứng dụng từ người sử dụng và người nộp thuế.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây