Do đặc trưng và yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước là phải thống kê các số liệu liên quan đến các chỉ tiêu của các kế hoạch đề ra, các thông tin thống kê rất quan trọng cho việc định hướng phát triển cũng như việc hạn chế các loại hình kinh doanh nhạy cảm...trong thời gian tiếp theo.
Công khai, minh bạch hoạt động hành chính không phải là dễ dàng. Trong thực tế, để tất cả các cơ quan nhà nước thực hiện công khai minh bạch, đòi hỏi về thời gian rất dài. Ngoài ra, mục tiêu công khai minh bạch đòi hỏi phải được sự giám sát chặt chẽ của người dân và lãnh đạo, trong đó vai trò của người dân và doanh nghiệp là quan trọng nhất. Phải có công cụ để người dân tiếp cận quá trình giám sát hoạt động của cơ quan công quyền. Một trong những công cụ giám sát hiệu quả đó là hệ thống "một cửa điện tử". Đây không chỉ đơn thuần là công cụ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, mà còn là mức đánh giá hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Tây Ninh.
Từ nhận thức trên, năm 2010 tỉnh đã triển khai giai đoạn một "một cửa điện tử" tại các huyện, thành phố, năm 2013 đã triển khai cho tất cả các huyện còn lại, đạt 100% đơn vị cấp huyện đã được triển khai và đưa vào vận hành hệ thống "một cửa điện tử". Việc triển khai hệ thống mềm một cửa điện tử liên thông tại cấp huyện đã đạt được những thành công bước đầu như: tạo tiền đề cho việc áp dụng phương pháp mới vào công tác quản lý so với phương pháp truyền thống trước đây nhất là trong lĩnh vực quản lý một cửa; Áp dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, các thành quả của việc phát triển công nghệ thông tin vào công tác quản lý làm tăng hiệu quả trong công tác quản lý và điều hành; Giúp cho người dân thông qua sự phát triển của công nghệ thông tin có thể theo dõi được kết quả của công việc mình cần trao đổi, tiếp xúc với chính quyền và giảm bớt thời gian đi lại; Thông qua môi trường CNTT giúp lãnh đạo có thể theo dõi được công tác tiếp dân và giải quyết các thủ tục hỗ trợ người dân trong các lĩnh vực văn hóa-xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc và công khai hóa thủ tục hành chính trong công tác; Huy động được nhân dân tham gia vào giám sát công tác của cán bộ trong công cuộc cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công tác và trình độ của cán bộ công chức và quá trình tiếp xúc và giải quyết cho người dân.
Tính đến tháng 8/2015, số lượng hồ sơ tiếp nhận trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử là 70.611 hồ sơ, trong đó số lượng hồ sơ đã giải quyết là 48.364 hồ sơ. Với sự hỗ trợ hiệu quả của phần mềm, đã góp phần thực hiện cải cách hành chính.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, trong năm 2015 sẽ triển khai hệ thống phần mềm một cửa điện tử cho 03 đơn vị cấp tỉnh đó là Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo Kế hoạch, đơn vị triển khai sẽ tiến hành khảo sát, phân tích, thiết kế, xây dựng, cài đặt, đào tạo, hệ thống các phần mềm đáp ứng các yêu cầu của từng đơn vị, sau đó tổ chức buổi báo cáo, bàn giao và nghiệm thu hệ thống. Các đơn vị thụ hưởng có trách nhiệm: cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cho đơn vị triển khai phần mềm; Cử nhân sự tham gia đầy đủ các buổi hướng dẫn và vận hành thử nghiệm; Theo dõi tiến độ, cùng tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án; Quản lý quyền truy nhập hệ thống một cửa điện tử đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Tiếp nhận và quản lý các trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Việc triển khai hệ thống một cửa điện tử giai đoạn 2 nhằm nâng cao hơn nữa trình độ quản lý, tạo bước đột phá trong các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để công dân, tổ chức chỉ đến một nơi để giải quyết các thủ tục hành chính và được trả kết quả dù việc giải quyết liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Tạo nên một hệ thống thông tin, một cơ sở dũ liệu thống nhất toàn tỉnh, phục vụ sự chỉ đạo, quản lý quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhanh, kịp thời, chính xác, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Lan Anh