Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0 xác định và thống nhất Sơ đồ tổng thể Khung Kiến trúc CPĐT của quốc gia. Đây là căn cứ để cơ quan nhà nước các cấp xác định trách nhiệm, vị trí của mình trong sự phát triển CPĐT đồng bộ của quốc gia.
Trên cơ sở Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam và Kiến trúc CPĐT chi tiết của các Bộ/ tỉnh, các cơ quan nhà nước có thể xây dựng, triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT theo lộ trình và trách nhiệm triển khai ở các cấp, bảo đảm sự kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin.
Bộ TT&TT đã đưa Sơ đồ tổng thể Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam với các thành phần chính gồm: Người sử dụng; Kênh giao tiếp; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; Kiến trúc CPĐT của Bộ/ tỉnh; Các hệ thống thông tin/ cơ sở dữ liệu quốc gia; Các hệ thống thông tin ngoài cơ quan nhà nước; Hạ tầng kỹ thuật; Quản lý, chỉ đạo; An toàn thông tin. Sơ đồ này cũng thể hiện tổng thể sự kết nối của các hệ thống thông tin các cấp.
Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0 cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ TT&TT và các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng, triển khai Kiến trúc CPĐT.
Để thúc đẩy triển khai xây dựng Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (Phiên bản 1.0), ngày 20/5/2015 Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có Văn bản số 271/THH-KH về việc Kế hoạch xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh. Qua đó, Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố lập Kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử cấp tỉnh.
Lan Anh