Hiện nay, tỉnh Tây Ninh có 30 Sở, ban, ngành, UBND các huyện/Thành phố và 95 xã/phường/thi trấn đã ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động hàng ngày và sử dụng các phần mềm dùng chung như: Cổng thông tin điện tử, Phần mềm quản lý văn bản, Phần mềm một cửa điện tử, Phần mềm Họp không giấy... Ngoài ra tại các Sở ban ngành còn sử dụng các phần mềm chuyên ngành riêng phục vụ nghiệp vụ như: phần mềm Cấp giấy phép lái xe, phần mềm quan trắc môi trường, phần mềm quản lý địa bàn dân cư, phần mềm hộ tịch và nhiều phần mềm khác. Qua đó mỗi phần mềm đều sử dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhưng việc nhập liệu, quản lý dữ liệu thì mỗi đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu riêng, không liên thông, cơ sở dữ liệu ngành này không lấy được cơ sở dữ liệu của ngành. Do vậy, nếu chia sẻ được cơ sở dữ liệu sẽ giảm thiểu được việc nhập liệu, tránh sai sót trong quá trình nhập liệu, tra cứu dữ liệu dễ dàng và nhiều ngành có thể sử dụng cơ sở dữ liệu của ngành khác để tra cứu và phục vụ nhiệm vụ của ngành mình tốt hơn.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng trục liên thông cho phép kết nối các phần mềm của tỉnh Tây Ninh có khả năng mở rộng để nối kết cổng thông tin quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; hỗ trợ đắc lực cho công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2177/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin giai đoạn 2019-2020.
Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể hoàn thành xây dựng và từng bước triển khai có hiệu quả nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh, cho phép các cơ sở dữ liệu dùng riêng tại các cơ quan, đơn vị kết nối chia sẻ dữ liệu. Kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin quốc gia khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện về kỹ thuật. Đảm bảo trên 30% hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; 100% dịch vụ công cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung. Trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng.
Kế hoạch tập trung xây dựng Dự án Trục liên thông cơ sở dữ liệu cấp tỉnh. Trục liên thông Cơ sở dữ liệu cấp tỉnh khi xây dựng hoàn thành sẽ được cài đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh để đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Việc xây dựng Trục liên thông Cơ sở dữ liệu cấp tỉnh khi hoàn thành sẽ đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về triển khai Chính quyền điện tử đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giúp chính quyền tỉnh Tây Ninh phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư, phối hợp Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, các Sở ban ngành khác và UBND huyện/TP tổ chức xây dựng nhiệm vụ, dự án của Chương trình theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu.