Thời gian qua, Trung tâm tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho khoảng 8.334 lượt học viên. Hầu hết đối tượng đưa vào cai nghiện đều được cắt cơn, giải độc, phối hợp điều trị theo Chương trình ARV cho 127 lượt học viên, điều trị lao cho 27 học viên, khám sàng lọc lao cho 85 học viên.
Nhằm rèn luyện thể chất, phục hồi hành vi nhân cách cho các học viên cai nghiện, Trung tâm thường xuyên tổ chức cho các học viện chơi thể dục, thể thao như bóng đá, bóng chuyền, xem phim. Để giúp cho học viên chưa biết chữ được xóa mù trong thời gian tập trung cai nghiện, Trung tâm tổ chức mở 02 lớp xóa mù chữ (mức 1 và 2) cho 43 học viên.
Đồng thời, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội liên kết với trường Trung cấp nghề tỉnh tổ chức dạy nghề điện dân dụng cho 39 lượt học viên.
Ngoài ra, Công tác quản lý người sau cai nghiện được quan tâm sâu sát. 6 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội xét và đề nghị chuyển sang quản lý sau cai nghiện: 58 học viên; trong đó quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú là 57 học viên, quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm là 01 học viên, số học viên sau cai hiện diện tại Trung tâm là 01 học viên. Từ 4/2011 đến 5/2013 Tổng số học viên được quản lý sau cai tại nơi cu trú là 269 người.
Theo đánh giá của Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội thì công tác cai nghiện 6 tháng đầu năm 2013 được thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội. Chất lượng cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện được cải thiện rõ rệt, đối tượng viêm nhiễm HIV/AIDS được quan tâm điều trị và chăm sóc sức khỏe tốt hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, Công tác quản lý người nghiện vẫn còn mang tính hành chính, chưa thực sự đi vào các biện pháp chuyên môn về tư vấn như giáo dục chuyển đổi nhận thức, hành vi và dự phòng tái nghiện, quan tâm đến nhu cầu chính đáng của cá nhân, cán bộ thiếu gần gũi với người cai nghiện.
Việc tổ chức dạy nghề, dạy văn hóa cho người nghiện còn nhiều hạn chế. Do trình độ học vấn của học viên còn thấp, học viên không đủ sức khỏe để tham gia các khóa học. Việc đào tạo các khóa học chưa gắn với nhu cầu thực tế xã hội, trình độ đào tạo chưa chuyên sâu nên phần lớn các học viên gặp khó khăn khi đi tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Đặc biệt tình trạng học viên trốn Trung tâm xảy ra thường xuyên. 6 tháng đầu năm 2013 có 24 vụ với 141 học viên trốn Trung tâm. Nguyên nhân do cán bộ quản lý của Trung tâm chưa được đào tạo chuyên nghiệp, địa bàn rộng trong khi biên chế ít. Bên cạnh đó, nhận thức của những học viên mới còn hạn chế nên bị các học viên khác lôi kéo, rủ rê tổ chức trốn.
Công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú chưa có hiệu quả cao vì đa số các học viên không tham gia học nghề và chưa có việc làm ổn định; các ban ngành, đoàn thể và Chính quyền địa phương cùng với gia đình chưa quan tâm, động viên, tư vấn nhằm giúp đỡ học viên có một môi trường vui chơi, học tập, lao động sau khi tái hòa nhập cộng đồng nhằm tránh tiếp xúc với các đối tượng xấu để hạn chế nguy cơ tái nghiện.
Điều đáng lưu ý, Công tác cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù năm 2012, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội đã tham mưu Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội triển khai Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10/02/2012 của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính Phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho cán bộ lãnh đạo ban, ngành, các cấp. Nhưng hiện nay công tác cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình tại ở các địa phương chưa đảm bảo cơ sở vật chất, nhân sự thành lập tổ công tác cai nghiện, nhất là Y, Bác sĩ có chuyên môn về cắt cơn nghiện nên chưa thực hiện được.
Để công tác quản lý học viên cai nghiện đạt hiệu quả cao, trong 6 tháng cuối năm, cần nâng cao chất lượng công tác quản lý và chữa trị; quản lý, giáo dục, dạy nghề, tổ chức lao động, sản xuất cho người nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội, thực hiện nghiêm túc quy trình cai nghiện (theo 5 giai đoạn). Củng cố và nâng cao chất lượng cập nhật thông tin cai nghiện phục hồi.
Nâng cao chất lượng công tác chữa trị, tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy thông qua việc động viên, khuyến khích, tạo cơ hội cho người nghiện ma túy và gia đình họ chủ động khai báo tình trạng nghiện và tự nguyện tham gia chương trình cai nghiện.
Tăng cường thực hiện Nghị định 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy.
Tiếp tục tham mưu Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt lộ trình thành lập và mức hỗ trợ các thành viên tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, thành lập mạng lưới đội công tác xã hội tình nguyện ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013 – 2015.
MN