Bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 20/01/2015 08:00 243 0
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư số 55/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn triển khai một số hoạt động bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Các hoạt động bảo vệ môi trường gồm: xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, xử lý nước thải; xây dựng các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái, phát triển cây xanh.

Xử lý nước thải phải phù hợp với điều kiện các vùng nông thôn

Thông tư quy định rõ, việc xử lý nước thải phải phù hợp với điều kiện các vùng nông thôn: công nghệ đơn giản; chi phí đầu tư, chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp; quản lý vận hành đơn giản, dễ thực hiện; ngoài ra, công nghệ cần đảm bảo khả năng xử lý đa dạng đáp ứng các đặc trưng nước thải khác nhau về lưu lượng và thành phần.

Đặc biệt, nước thải sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: thu gom và xử lý đảm bảo giá trị tối đa của các thông số ô nhiễm trong nước thải không vượt quá giới hạn cho phép quy định trong các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung của thôn, xã hoặc thải ra môi trường; nước thải chăn nuôi hộ gia đình: thu gom, xử lý bằng các hình thức hầm biogas, hố ga lắng cặn, ao sinh học...trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung của thôn, xã hoặc thải ra môi trường; nước thải sinh hoạt phải thu gom, xử lý bàng các hình thức bể tự hoại, hố ga lắng cặn trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung của thôn, xã hoặc thải ra môi trường.

Xử lý chất thải rắn theo hình thức chôn lấp

Thông tư cũng quy định, đối với chất thải rắn, phải xử lý theo hình thức chôn lấp. Các bãi chôn lấp chất thải rắn ở xã nông thôn mới không có hệ thống thu gom rác thải chung của huyện, thành phố phải đáp ứng các yêu cầu như: đảm bảo quy mô sức chứa ít nhất 10 năm, có hàng rào cách ly với khu dân cư xung quanh; không có hiện tượng nước chảy tràn ra khỏi khu xử lý…

Quản lý, cải tạo nghĩa trang

Thông tư nêu rõ, nghĩa trang phải có hệ thống cấp thoát nước đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường. Rác thải ở nghĩa trang được thu gom và chuyển đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Chất thải liên quan đến người chết do mắc bệnh truyền nhiễm hoặc thi hài đã bị thối rữa được xử lý theo quy định của Bộ Y tế về xử lý chất thải y tế lây nhiễm. Tùy theo đặc điểm văn hóa, truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc, có các hình thức mai táng khác phù hợp và phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh, môi trường được cơ quan có thẩm quyền của địa phương xem xét, quyết định.

UBND xã có trách nhiệm vận động, hướng dẫn người dân thực hiện chôn cất tập trung trong khu nghĩa trang theo quy hoạch; khuyến khích, tuyên truyền, vận động người dân hỏa táng hợp vệ sinh ở những địa phương có điều kiện. Việc xây dựng mới hoặc mở rộng, cải tạo nghĩa trang phải căn cứ vào quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch được duyệt đảm bảo theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cải tạo, xây dựng ao hồ sinh thái, phát triển cây xanh

Theo quy định của Thông tư, hệ thống ao hồ sinh thái trong khu dân cư phải đảm bảo tạo mặt bằng thoáng, điều tiết khí hậu, tạo cảnh quan đẹp, có khả năng phát triển chăn nuôi, thủy sản, tạo nguồn lợi kinh tế.

Không gian xanh trong nông thôn mới được gắn kết với nhau bằng dải cây xanh liên tục trên các đường liên xã, liên thôn và nội đồng. Việc trồng cây không để ảnh hưởng đến an toàn giao thông, không làm hư hại đến các công trình công cộng; không gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường... Hệ thống cây xanh trong các xã nông thôn mới phải đảm bảo diện tích bằng hoặc lớn hơn 2m2/người. Ưu tiên trồng cây xanh ở các địa điểm công cộng như trụ sở xã, nhà trẻ, trường học, trạm y tế xã, trung tâm văn hóa thể thao, các chợ, cửa hàng dịch vụ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 20/2/2015.

MN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây