Chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội sang Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện

Thứ tư - 01/07/2015 09:00 41 0
Phát triển các sơ sở điều trị nghiện tự nguyện là một trong những nhiệm vụ của Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 với mục đích hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Để phát triển các sơ sở điều trị nghiện tự nguyện, sẽ thực hiện lộ trình chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (gọi tắt là Trung tâm) thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

Năm 2013 và 2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hà Nội, Sơn La, Nam Định, Nghệ An và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển khai thí điểm chuyển Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội sang Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện. Đúc rút kinh nghiệm từ các địa phương trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn mô hình chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội sang Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

Theo đó, chuyển đổi toàn diện từ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, cán bộ đến phương thức hoạt động của các Trung tâm.

Sẽ có 2 hình thức chuyển đổi gồm:

Chuyển đổi hoàn toàn sang cơ sở điều trị nghiện tự nguyện: đối với các Trung tâm cấp huyện; Trung tâm của các tỉnh, thành phố có nhiều Trung tâm (giữ lại 01 hoặc 02 Trung tâm cai nghiện bắt buộc, các Trung tâm khác chuyển sang Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện).

Chuyển đổi một phần sang cơ sở điều trị tự nguyện hoặc cơ sở tiếp nhận xã hội để quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các tỉnh, thành phố có 01 Trung tâm. Phần được chuyển đổi cần phải được ngăn cách bằng tường bao, có lối đi riêng với cơ sở cai nghiện bắt buộc; tổ chức và hoạt động của phần chuyển đổi tương tự như cơ sở chuyển đổi hoàn toàn.

Cơ sở điều trị tự nguyện có chức năng, nhiệm vụ tiếp cận, đánh giá mức độ sử dụng ma túy và các vấn đề về tâm lý, xã hội và bệnh lý tâm thần của người sử dụng ma túy trên cơ sở đó tư vấn xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp với từng người; Tổ chức các hoạt động tư vấn, trị liệu nhóm và các hỗ trợ về tâm lý, xã hội thích hợp đối với những người sử dụng ma túy;Vận động người sử dụng ma túy tham gia chương trình điều trị thích hợp, tổ chức điều trị nội trú, ngoại trú, bán trú với các phương pháp thích hợp với từng người;Tổ chức Cơ sở điều trị hoặc Điểm cấp phát thuốc Methadone cho người điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện;Kết nối để người tham gia chương trình điều trị được hỗ trợ về sinh kế, tham gia các hoạt động xã hội tại cộng đồng;Hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật về điều trị cho các Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng; tuyên truyền, vận động người sử dụng ma túy tham gia chương trình điều trị thích hợp; hỗ trợ tổ chức điều trị, cai nghiện tại cộng đồng; Quản lý lâu dài để đảm bảo việc tuân thủ điều trị đối với những người đã tham gia chương trình (quản lý trường hợp); Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở về điều trị nghiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; Quản lý sử dụng có hiệu nguồn lực đầu tư cho cơ sở; Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động của cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền.

Cơ sở điều trị tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc không thành lập mới, thực hiện việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất sẵn có, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; Tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng ma túy; Cơ sở phải bố trí để đảm bảo cho người sử dụng ma túy và thân nhân của họ dễ tiếp cận; Thực hiện hoặc kết nối các dịch vụ điều trị nghiện nhanh chóng, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng ma túy; Đảm bảo tính riêng tư, bí mật thông tin của người sử dụng ma túy; Đảm bảo tính tự nguyện của người sử dụng ma túy không áp đặt, không phán xét.

Cơ sở điều trị tự nguyện hoạt động theo phương thức:

 Tại cơ sở điều trị: tổ chức các hình thức điều trị nội trú, bán trú và ngoại trú đáp ứng nhu cầu của người điều trị.

Tại cộng đồng: phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để thành lập và duy trì hoạt động của các Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội tại địa phương tổ chức các nhóm đồng đẳng cho những người sử dụng ma túy; phối hợp với các cơ sở xã hội (nhà mở, Trung tâm xã hội), doanh nghiệp, các quỹ tín dụng, các nhóm tự lực để hỗ trợ tìm việc làm, nơi ở và các nhu cầu thiết yếu cho người sử dụng ma túy.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào tình hình người nghiện, các cơ sở cai nghiện hiện có tại địa phương xây dựng kế hoạch hoặc phương án chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội/Trung tâm cai nghiện cấp huyện sang Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện. Đề án/Kế hoạch chuyển đổi phải chú trọng các Phương án giải quyết cơ sở vật chất của Trung tâm xa khu dân cư, không thuận lợi cho chuyển đổi; Phương án đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ không đáp ứng được yêu cầu của Cơ sở cai nghiện tự nguyện đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

 Chỉ đạo Sở Tài chính xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí triển khai Đề án chuyển đổi Trung tâm;

Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc quản lý hoạt động y tế của các Trung tâm chuyển đổi; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế nhằm đáp ứng được nhu cầu của Trung tâm chuyển đổi.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây