Dân vận khéo, chìa khóa thành công trong xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 15/11/2013 00:00 127 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.Thấm nhuần lời dạy của Bác, thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm thực hiện tốt công tác dân vận quần chúng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, công tác dân vận là yếu tố quan trọng, quyết định trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 

 

Trong những năm qua, công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới nói riêng ở các xã điểm trên địa bàn tỉnh  đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong nhân dân về việc tham gia xây dựng, thực hiện các tiêu chí của nông thôn mới. Nó không chỉ mang tính khái quát về  kết quả thực hiện mà còn chứng tỏ sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua này.

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, nhưng đây cũng là nhiệm vụ khó khăn. Trong quá trình thực hiện, ngoài sự nỗ lực đầu tư của nhà nước, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tham gia tích cực của nhân dân luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chính vì vậy, xác định “Dân vận khéo” và làm tốt công tác dân vận, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân chính là chìa khóa thành công trong xây dựng nông thôn mới. Chuyện người dân đồng tình hiến đất làm đường giao thông nông thôn như: xã Long Khánh, Long Thuận, Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), xã Tân Hà, Tân Hòa (huyện Tân Châu), xã Gia Bình, Gia Lộc (huyện Trảng Bàng)…. hay việc góp công, góp của vào phong trào là một minh chứng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới tại 82 xã điểm trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù những ngày đầu triển khai thực hiện đã gặp không ít khó khăn, do người dân chưa hiểu được những lợi thiết thực từ việc xây dựng nông thôn mới, nên việc không ủng hộ cũng như việc hiến đất, hoa màu để mở rộng đường giao thông đặc biệt là các hộ có công trình phải tháo dỡ để mở rộng hành lang. Với quyết tâm thực hiện kế hoạch đã đề ra, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tăng cường công tác dân vận, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; tổ chức lấy ý kiến đóng góp và thông qua các đồ án quy hoạch, đề án cho nhân dân; tham gia ý kiến vào việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể của địa phương; cơ chế huy động sự đóng góp, tham gia của nhân dân; những việc nhân dân cần biết, được bàn, được làm, được giám sát và quyền lợi nhân dân được hưởng. Phát động nhân dân đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tư tưởng cực đoan, lợi dụng dân chủ, khiếu kiện, gây rối, cản trở việc tổ chức thực hiện các chương trình. Hơn hết, các ngành, đoàn thể còn đến từng gia đình tuyên truyền vận động, giải thích cho các hộ hiểu về chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới và những lợi ích thiết thực của chương trình. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các xã điểm đã thu hút sự quan tâm và tích cực tham gia vào cuộc của các đơn vị doanh nghiệp, công ty, nhà máy, xí nghiệp, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, văn hóa địa phương.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể còn phát động nhiều phong trào thi đua, như: phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “thực hành tiết kiệm giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững” lập thành tích kỷ niệm 65 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, phong trào “5 không, 3 sạch”. Các phong trào thi đua đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động, vật chất, hiến đất, kinh phí làm đường giao thông và các công trình phúc lợi công cộng. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng như: mô hình “Phụ nữ xây dựng nông thôn mới”, “Đồng hành cùng cơ sở”, “Phụ nữ giúp nhau vượt khó”, “Gia đình không có tệ nạn xã hội”, “Vườn sạch nhà đẹp”, “Chuyển rác thành tiền”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”…ngày càng hoạt động có hiệi quả trong công tác tuyên truyền, vận động từ đó góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, việc áp dụng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, qua đó sẽ phát huy vai trò chủ động, tích cực tham gia của người dân, góp phần hạn chế nguy cơ tham nhũng, lãng phí vì trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân có vai trò đặc biệt quan trọng bởi vì họ chính là người trực tiếp thực hiện và trực tiếp hưởng lợi.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới và việc “Học tập và làm theo tâm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong hệ thống dân vận, mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang. Qua ba năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tại 82 xã điểm đã có nhiều đổi thay tích cực, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của công tác dân vận và đội cán bộ làm công tác dân vận, những người luôn thực hiện và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Minh Giang

 

 

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây