Với Việt Nam, chúng ta coi đa số người nghiện là lầm lỡ, sa ngã và họ là những nạn nhân đáng thương cần được xã hội cứu vớt khỏi con đường lầm lạc. Theo quan điểm của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 (được Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XII thông qua) có thể coi người nghiện ma tuý là người bệnh, đồng thời cũng là người có hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, trước hết cần động viên, khuyến khích người nghiện tự nguyện đi cai với các hình thức cai tự nguyện khác nhau. Khi họ đi cai tự nguyện, luật pháp không coi họ là đối tượng bị xử lý hành chính. Nếu họ không tự nguyện, cần áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính cai bắt buộc tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Chúng ta đang có hướng sẽ thay các quyết định bắt buộc đi cai của cơ quan chính quyền bằng phán quyết của Tòa án dân sự như một số nước trên thế giới đang áp dụng.
Trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý có một chương riêng (Chương IV) về công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy với các hình thức và biện pháp đa dạng, phong phú. Các chính sách và nguyên tắc áp dụng việc cai nghiện đối với người nghiện ma tuý được thể hiện rõ trong Luật: khuyến khích người nghiện ma tuý cai nghiện tự nguyện, đồng thời Nhà nước tổ chức các cơ sở cai nghiện bắt buộc và áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với những người không tự nguyện cai nghiện; Cai nghiện có thể tại gia đình, tại cộng đồng, tại các cơ sở tập trung của nhà nước hoặc của tư nhân; Hỗ trợ việc cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện; Đa dạng hóa và xã hội hóa các hình thức cai nghiện… Cai nghiện phục hồi cho những người nghiện ma túy trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống tệ nạn ma túy không chỉ trong giai đoạn trước mắt mà còn lâu dài trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.
Chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người nghiện là tuyên truyền, giáo dục và động viên, khuyến khích họ đi cai nghiện đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người nghiện được học tập, rèn luyện, tham gia vào hoạt động lao động sản xuất, được hướng nghiệp dạy nghề, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao để từng bước giúp họ thoát khỏi bàn tay ác độc của ma túy. Đó là chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta đối với người nghiện ma tuý. Người nghiện như đứng chênh vênh giữa khoảng tối và sáng, rất dễ từng bước đi chệch sâu từ con đường lương thiện sang tội lỗi. Họ đang rất cần những bàn tay nhân ái, rộng lượng của cả cộng đồng và xã hội giúp đỡ. Đương nhiên luật pháp cũng sẽ xử lý nghiêm khắc với những kẻ cố tình tái phạm, không chịu học tập, rèn luyện để tiến bộ.
MN (ST)