HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu QG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025

Thứ tư - 11/10/2023 09:19 249 0
Sáng ngày 11/10/2023, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã tiến hành làm việc với UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan về việc triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (viết tắt “NTM”) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Quang cảnh buổi giám sát

Đoàn giám sát do ông Nguyễn Thành Tâm - Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn; tham dự buổi giám sát có các đồng chí thành viên Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, một số đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND thị xã Hòa Thành, huyện Châu Thành, huyện Tân Châu, huyện Bến Cầu, lãnh đạo UBND huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành thuộc Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến 30/6/2023, toàn tỉnh có 61/71 xã đạt chuẩn NTM, đạt 85,9%; 17/71 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 23,9%; 02/71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 16,9%; đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM: thị xã Hòa Thành đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu đang hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm tra. Bình quân tiêu chí xã đạt chuẩn NTM là 18 tiêu chí, phân loại theo nhóm: đạt 19 tiêu chí có 61 xã, đạt từ 15-18 tiêu chí có 4 xã, đạt từ 10-14 tiêu chí có 6 xã; bình quân tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 9,1 tiêu chí, phân loại theo nhóm: đạt 19 tiêu chí có 17 xã, đạt từ 15-18 tiêu chí có 4 xã; đạt từ 10-14 tiêu chí có 16 xã; đạt dưới 10 tiêu chí có 34 xã. Tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình là 5.303.787 triệu đồng, tỷ lệ huy động đạt 60,31% so với tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, trong đó Ngân sách trung ương 284.449 triệu đồng (chiếm 5,36%), Ngân sách địa phương  1.740.839 triệu đồng (chiếm 32,82%), vốn lồng ghép 351.794 triệu đồng (chiếm 6,63%), vốn tín dụng 2.546.700 triệu đồng (chiếm 48,02%), vốn doanh nghiệp 222.464 triệu đồng (chiếm 4,19 %), vốn nhân dân đóng góp 157.541 triệu đồng (chiếm 2,9%).

Nhìn chung, tiến độ thực hiện các xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đảm bảo so với mục tiêu, kế hoạch đề ra; Bộ tiêu chí NTM các cấp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh và các văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu đã được UBND tỉnh, các sở, ngành ban hành đầy đủ, đây là cơ sở để UBND cấp huyện, xã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình. Kết quả thực hiện Chương trình đến nay đã góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao, góp phần giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, địa phương; đồng thời, giúp cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển toàn diện, phương thức sản xuất từng bước được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, mặt bằng dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên, ý thức của đồng bào về chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nâng cao, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng các dân tộc được phát huy, niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận, làm rõ một số vấn đề như: Việc tổ chức rà soát, đánh giá lại các xã đã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí về nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 (bao gồm: NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu) và dự kiến khả năng hoàn mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 theo kế hoạch đề ra, trên cơ sở đó xem xét, điều chỉnh mục tiêu kế hoạch đảm bảo khả năng, nguồn lực thực hiện thực tế của địa phương; công tác huy động vốn thực hiện Chương trình nông thôn mới, nhất là trong huy động nguồn vốn xã hội hóa ngoài ngân sách, việc thực hiện và giải ngân các nguồn vốn; việc xây dựng Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao ban hành theo Quyết định 2180/QĐ-UBND của UBND tỉnh có một số tiêu chí do địa phương quy định chưa đảm bảo theo Bộ tiêu chí Quyết định 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ tiêu quy định tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động ngoài vùng tưới hệ thống thuỷ lợi; Chỉ tiêu có ít nhất 01 tổ chức thuỷ lợi cơ sở hoạt động hiệu quả, bền vững, trong đó quy định đối với xã nằm ngoài vùng tưới công trình thuỷ lợi không có tổ chức thuỷ lợi cơ sở); quy hoạch nông thôn mới được phê duyệt còn chậm; đường giao thông sau khi đạt chuẩn đến nay nhiều tuyến đường đã xuống cấp; làm rõ nguyên nhân chưa triển khai thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử trên địa bàn tỉnh, phần mềm thống kê, quản lý được tình hình sức khỏe, bệnh lý của người dân trên địa bàn tỉnh; việc triển khai thực hiện một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa bền vững, việc thẩm định, đánh giá còn hạn chế, bất cập (tiêu chí về thu nhập, nước sạch, BHYT, hộ nghèo đa chiều, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, Hợp tác xã, Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực); công tác hướng dẫn kiểm tra, giám sát thực hiện các tiêu chí, giải pháp khắc phục những hạn chế và thực hiện duy trì các tiêu chí sau khi đạt chuẩn; Công tác xây dựng và ban hành văn bản thực hiện, cụ thể hoá các cơ chế chính sách một số nội dung còn chậm chưa kịp thời; việc củng cố, kiện toàn Văn phòng điều phối nông thôn mới giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 2021 – 2025 một số nơi còn chậm.

Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định, qua 2,5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, do năm 2021, năm 2022 phải tập trung phòng chống dịch Covid-19, Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới 2021 – 2025 do Trung ương ban hành còn chậm, nhưng tỉnh cũng đã nỗ lực, tích cực, quan tâm và có ý thức trong việc triển khai thực hiện, ngay từ đầu nhiệm kỳ, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã chủ động ban hành Kế hoạch và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2022 tại địa phương và đạt được một số kết quả, tiếp tục công nhận được một số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và mang lại một số lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là về cơ sở hạ tầng, các chính sách về an sinh xã hội và hỗ trợ sản xuất; tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh lúng túng, việc thực hiện một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa bền vững. Trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo tiếp tục triển khai thực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đảm bảo thực chất, đem lại điều kiện cuộc sống tốt hơn cho người dân ở địa bàn nông thôn nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, với điều kiện nguồn lực hiện có, cần tính toán, sắp xếp, bố trí thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực nhất, quan tâm thực hiện bền vững các tiêu chí về BHYT, đào tạo giải quyết việc làm, thoát nghèo theo hướng bền vững, nâng mức thu nhập thông qua sinh kế ổn định. Đây là nội dung giám sát của HĐND tỉnh, đề nghị Đoàn giám sát HĐND tỉnh tiếp thu các ý kiến tại buổi giám sát, tổng hợp báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết về kết quả giám sát trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Theo HĐND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây