Phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm: Người dân vẫn còn chủ quan

Thứ ba - 09/10/2012 00:00 79 0
Trước tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm đang có những diễn biến phức tạp, cuối tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế thực hiện đợt kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh.

Đoàn giám sát phát hiện lăng quăng trong thùng nước của một gia đình ở xã Tân Đông, huyện Tân Châu

 

 

Theo ông Huỳnh Ngọc Bảnh - Trưởng Phòng Y tế huyện Dương Minh Châu, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh đã được ngành chuyên môn của huyện theo dõi chặt chẽ. Các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đều đã được triển khai về tận các cơ sở. Về tình hình dịch bệnh, tính từ đầu năm đến hết ngày 25.9.2012, toàn huyện Dương Minh Châu có 131 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong số này có 2 ca tử vong (gồm một cháu bé 5 tuổi và một sinh viên đang học năm thứ 5 Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh). Ngành chức năng huyện cũng đã ghi nhận được 173 ca mắc bệnh tay chân miệng, chưa có ca nào tử vong.

 Theo đánh giá của Phòng Y tế huyện Dương Minh Châu, một trong những khó khăn, yếu kém trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay là công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, khiến nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế. Chính người dân có lúc cũng còn chủ quan, thiếu phối hợp với ngành Y tế để diệt trừ mầm bệnh ngay từ đầu. Trong khi đó, thời tiết năm nay lại diễn biến bất thường, nhiều hộ dân vẫn còn nuôi gia cầm ở gần nơi sinh hoạt lại càng tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ hội “ngóc đầu dậy”. Lãnh đạo Phòng Y tế huyện cũng cho rằng, lực lượng cộng tác viên tham gia công tác phòng, chống các loại dịch bệnh hiện còn thiếu và yếu. Kinh phí cấp cho công tác phòng, chống dịch bệnh được đánh giá là quá thấp, có nhiều bất hợp lý.

Tại Thị xã, tính từ đầu năm đến ngày 23.9.2012, trên địa bàn có 167 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm hơn 40% so với cùng thời điểm này năm trước. Trong khi đó, số ca mắc bệnh tay chân miệng mà ngành chức năng ghi nhận được là 344 ca, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. UBND Thị xã cho rằng, cơ quan chuyên môn chưa chủ động trong việc phát hiện ca bệnh tại địa phương, thông tin phản hồi của bệnh nhân chưa đầy đủ, địa chỉ người mắc bệnh không chính xác nên gây khó khăn cho việc tìm kiếm xử lý ổ dịch. Về kinh phí, mức kinh phí dành cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện được cho là còn thấp, chưa kể việc cấp kinh phí còn bị chậm.

Ở huyện Tân Châu, từ đầu năm đến ngày 25.9.2012, ngành Y tế huyện ghi nhận được 138 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, 237 ca bệnh tay chân miệng, 15 ca sốt rét, 160 ca tiêu chảy và 170 ca bị bệnh cúm. Xã Tân Đông dẫn đầu toàn huyện về số người mắc bệnh tay chân miệng là 40 ca. Do tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu nên ngành Y tế Tân Châu đã tiến hành phun hoá chất trên diện rộng để ngăn chặn, tiêu diệt mầm bệnh, trong đó xã Suối Ngô được phun toàn xã. Ông Võ Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho rằng, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh vẫn còn khó khăn, tồn tại là do thiếu sự chỉ huy, giám sát của chính quyền địa phương. Địa chỉ ca bệnh không đúng như trong hồ sơ bệnh án nên đã gây rất nhiều khó khăn cho việc điều tra, giám sát ca bệnh. Tỷ lệ giám sát số ca mắc bệnh tay chân miệng chỉ đạt hơn 70%. Thêm vào đó, ý thức phòng bệnh của một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số còn hạn chế. UBND huyện và ngành Y tế Tân Châu dự báo: Tháng 10 là thời điểm mưa nhiều nhất trong năm nên rất có thể dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc các loại bệnh truyền nhiễm có thể sẽ còn tăng.

Cô giáo Trường mầm non 20.11, huyện Dương Minh Châu hướng dẫn trẻ rửa tay

 Bác sĩ Đặng Thanh Phong - Phó giám đốc Trung tâm Y tế Tân Biên cho biết, trong 9 tháng qua, số người mắc bệnh truyền nhiễm trên địa bàn huyện có chiều hướng gia tăng. Kết quả giám sát cho thấy, từ đầu năm cho đến tháng 9, ngành chuyên môn ghi nhận được 206 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 36% so với cùng kỳ, trong số này có  42 ca ngành Y tế huyện không tìm được địa chỉ để theo dõi và xử lý.

Ngoài việc nghe lãnh đạo các huyện báo cáo tình hình dịch bệnh, đoàn giám sát còn đến tận nhà người dân để kiểm tra (mỗi huyện đoàn chọn kiểm tra 5 hộ gia đình). Qua đó cho thấy, ý thức của người dân trong việc phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm còn hạn chế, mặc dù được ngành chuyên môn ở huyện, thị thông tin tuyên truyền nhiều lần bằng nhiều hình thức khác nhau. Nguyên nhân chính là do thói quen trong sinh hoạt. Ở nông thôn, do sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nên nhiều gia đình ăn ở còn rất mất vệ sinh. Trong khi đó, lăng quăng, muỗi - mầm mống chính gây ra bệnh sốt xuất huyết lại có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Tại xã Tân Đông của huyện Tân Châu, trong số 4 hộ được đoàn kiểm tra thì có hai hộ vẫn còn để lăng quăng xuất hiện trong thùng đựng nước sinh hoạt. Người dân thậm chí không cần biết trong môi trường xung quanh nhà có mầm bệnh hay không. Ở một số trường mầm non, đoàn giám sát ghi nhận: Cảnh quan, môi trường sạch sẽ, vệ sinh tốt nhưng cơ sở vật chất lại còn bất cập. Đơn cử, Trường mầm non Tuổi Ngọc (Thị xã) còn thiếu vòi nước cho trẻ rửa tay (trẻ thì đông nhưng số vòi nước thì ít).

Hiện nay đang là cao điểm của mùa mưa - cũng là điều kiện “lý tưởng” để các loại dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm có cơ hội bùng phát. Chính vì thế, hơn ai hết người dân cần chủ động phòng, chống bệnh cho chính bản thân và người thân trong gia đình. Đặc trưng của bệnh truyền nhiễm là dễ lây lan, khi mới mắc bệnh ít gây ra sự đau đớn về thể xác. Tuy nhiên, một khi bệnh có chuyển biến xấu thì rất dễ dẫn đến tử vong. Một biện pháp đơn giản để có thể phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm là hãy nên ăn ở sạch sẽ.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây