Phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống người dân

Thứ năm - 03/08/2017 09:00 38 0
Trên địa bàn tỉnh hiện có 22.476 hộ, với 71.280 lao động, tham gia hoạt động các ngành nghề nông thôn (Nghề chế biến nông sản: 2.475 hộ, với 11.189 lao động; Nghề sản xuất vật liệu, đồ gỗ: 2.733 hộ, với 7.919 lao động; Nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh: 159 hộ, với 378 lao động; Nghề xây dựng, vận tải và dịch vụ khác: 14.216 hộ, với 38.243 lao động; Ngành nghề khác: 2.893 hộ, với 13.551 lao động). Giá trị hàng hóa ước tính đạt: 1.148.766 triệu đồng.

​Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 nghề truyền thống và 01 làng nghề truyền thống được công nhận. Các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được công nhận đã hình thành tổ chức kinh tế hợp tác gồm: 01 HTX mây tre đan (đan lát) tại xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, 01 HTX Bánh tráng tại thị trấn Trảng Bàng, 01 tổ hợp tác Đúc gang tại ấp Trường Thọ, Xã Trường Hòa, huyện Hoà Thành; đối với các nghề truyền thống khác như mộc gia dụng, se nhang, gò nhôm, nón lá…cũng đã hình thành các tổ liên kết sản xuất hỗ trợ nhau phát triển sản xuất kinh doanh. Nhìn chung các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống phát triền ổn định, tạo việc làm góp phần cải thiện đời sống người dân.

Nhìn chung, tình hình phát triển ngành nghề nông thôn trong 6 tháng đầu năm 2017 tương đối ổn định và một số ngành nghề như: các mặt hàng mây tre, bánh tráng, muối ớt… có khuynh hướng phát triển mạnh trên thị trường. Việc phát triển ngành nghề nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động nông nghiệp, nông thôn, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo. Các cấp, các ngành đã có sự quan tâm hỗ trợ đầu tư nhằm bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được kết quả đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh) đã tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh ban hành Kế hoạch số 06/KH-BCĐ về hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2017; Phối hợp Sở Công thương rà soát các đối tượng trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ có đủ điều kiện, lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” “Nghệ nhân ưu tú” theo quy định; UBND các huyện, thành phố lập các dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó: Huyện Hòa Thành đang triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển nghề mộc ở xã Hiệp Tân”, với mức hỗ trợ 465 triệu đồng theo Quyết định số 1254/QĐ-UBND ngày 08/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh. Huyện Trảng Bàng đang triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển nghề rèn tại ấp Tân Lộc, xã Gia Lộc”  với mức hỗ trợ 250 triệu đồng để hỗ trợ 11 máy cắt sắt, 16 máy hàn, 16 mô tơ tiện theo Quyết định số 1254/QĐ-UBND ngày 08/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh. Huyện Dương Minh Châu: Phối hợp cùng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đang hoàn chỉnh hồ sơ dự án “Phát triển nghề bánh tráng tại xã Chà Là”.

Các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn: Khuyến công quốc gia: Triển khai hỗ trợ 03 đề án (03 doanh nghiệp) ứng dựng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất với tổng kinh phí 1 tỷ đồng; Khuyến công địa phương: Xây dựng 08 đề án hỗ trợ, với tổng kinh phí 1.142 tỷ đồng, trong đó:  Khảo sát xây dựng 06 đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất, kinh phí 750 triệu đồng; Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia triển lãm hàng công nghiệp nông thôn phía Nam, kinh phí 160 triệu đồng; Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh năm 2017, kinh phí 232 triệu đồng.

Khoa học và công nghệ đã nghiệm thu dự án nông thôn miền núi “Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xây dựng mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất một số cây ăn quả (mãng cầu, nhãn, ổi) tại huyện Dương Minh Châu” với tổng kinh phí 5.095 tỷ đồng, kinh phí của tỉnh đầu tư 1.900 tỷ đồng. Dự án đã được nghiệm thu tháng 2/2017.  Hướng dẫn: Tổ hợp tác Rau rừng Lộc Trát, xã Gia lộc, huyện Trảng Bàng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và nghiệm thu đề tài cấp cơ sở: “Nghiên cứu nuôi trồng cây Bonsai trong môi trường nước”, với tổng kinh phí 194.864.000 đồng (đề tài đã nghiệm thu tháng 3/2017). Triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn giống và kỹ thuật thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng nhãn huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh”  với tổng kinh phí là 1.228.670.600 đồng. Đề tài đã được triển khai thực hiện với sự tham gia và ứng dụng kết quả đề tài sau nghiệm thu của Tổ hợp tác trồng nhãn xã Trường Đông và Tổ hợp tác xã Trường Hòa.

Chương trình xử lý môi trường nghiệm thu dự án “Điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”; xây dựng kế hoạch và đề xuất các dự án ưu tiên hỗ trợ xử lý môi trường các ngành nghề trên địa bàn tỉnh.

Chương trình đào tạo nhân lực phục vụ phát triển NNNT xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, số lượng 112 lớp với 3.540 lao động nông thôn, trong đó: nghề nông nghiệp 82 lớp với 2.640 lao động, nghề phi nông nghiệp 30 lớp với 900 lao động phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn.

Bên cạnh những mặt thuận lợi vừa nêu, hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh hầu hết mang tính tự phát, quy mô sản xuất nhỏ, mang tính chất hộ gia đình, chủ yếu là lao động thủ công, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu vốn, thiếu tính liên kết và hợp tác trong sản xuất. Sản phẩm hàng hóa ngành nghề nông thôn phần lớn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, sức cạnh tranh các sản phẩm ngành nghề nông thôn với sản phẩm công nghiệp khác còn hạn chế; đồng thời các sản phẩm ngành nghề nông thôn chưa gắn với du lịch hạn chế việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở, HTX và doanh nghiệp về ngành nghề nông thôn vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chủ yếu về mặt cơ chế tín dụng và thủ tục vay vốn. Một số nghề truyền thống đã được hình thành ở các địa phương từ lâu đời như nghề chằm nón lá, sản xuất đũa tre, nghề rèn…sản xuất mang tính nhỏ lẻ, cầm chừng, không ổn định, hiệu quả thấp, có xu hướng bị mai một thất truyền, nhưng các địa phương có nghề truyền thống chưa có kế hoạch hỗ trợ cụ thể nhằm bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống.

Đứng trước những khó khăn của người lao động tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh kiến nghị các ngân hàng thương mại cho vay vốn ưu đãi tạo mọi điều kiện thuận lợi các hộ, cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm của các ngành nghề theo hướng sản xuất hàng hóa và gia tăng giá trị sản phẩm. Các cấp, các ngành tăng cường hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại (tăng cường quảng bá, tham gia Hội chợ triển lãm, hội thảo…) nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở tiếp cận với các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn phục vụ phát triển các nghề truyền thống địa phương có thế mạnh và tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của tỉnh. Ủy ban nhân dân các huyện Hòa Thành, Trảng Bàng, Dương Minh Châu  khẩn trương triển khai thực hiện các dự án đầu tư nhằm bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống trên địa bàn.

Về phía cơ quan thường trực sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển ngành nghề nông thôn năm 2017. Phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Tây Ninh thực hiện chuyên mục “Phát triển nghề truyền thống mây tre đan tại xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành”. Đôn đốc các huyện, thành phố triển khai thực hiện các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn. Phối hợp các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các chính sách: Khuyến công, khoa học và công nghệ, xử lý môi trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra đánh giá tình hình phát triển các ngành nghề nông thôn trên địa bàn và hiệu quả các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.

Tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát các nghề truyền thống hoạt động đạt hiệu quả để lập hồ sơ trình UBND tỉnh xét và công nhận làng nghề truyền thống theo quy định nếu có. Phối hợp với các huyện Hòa Thành, Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh kiểm tra nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh các nghề truyền thống được công nhận như: Mộc gia dụng, mây tre đan, đúc gang, làm nhang, nghề rèn, chằm nón lá, gò nhôm và làng nghề truyền thống mây tre đan; qua đó tham mưu và đề xuất những vấn đề liên quan đến các ngành, các cấp tiếp tục đầu tư hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi các hộ phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Quang Dững

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây