Tây Ninh: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở 25 xã điểm

Thứ tư - 20/11/2013 00:00 55 0
Sau khi thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo tỉnh Tây Ninh và các huyện, thị xã đã khảo sát 19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Qua khảo sát, Ban chỉ đạo tỉnh đã chọn 25 xã có số tiêu chí đạt khá để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015.

 

 

Những điểm sáng để xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh

Xã An Tịnh huyện Trảng Bàng là một địa phương nằm tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, là cửa ngõ từ Tây Ninh đi thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Trên địa bàn xã có khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Tây Ninh. Những năm qua, kinh tế-xã hội của xã phát triển nhanh. Do đó, xã có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên để đạt được xã nông thôn mới theo các tiêu chí của Trung ương, xã cũng còn gặp không ít khó khăn cần phải phấn đấu. Xã có 5.423 hộ, với hơn 20.400 nhân khẩu, diện tích tự nhiên 3.354 ha và được chia làm 9 ấp. Ngoài dân số địa phương, trong những năm qua số người sống tạm trú trên địa bàn xã rất đông. Hiện nay số người đăng ký tạm trú tại các nhà trọ để làm việc trong khu công nghiệp trên địa bàn xã đã trên 19.700 người. An Tịnh là một trong những xã của huyện Trảng Bàng được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng xã nông thôn mới. Căn cứ theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Trung ương, xã có nhiều thuận lợi. Về hệ thống giao thông, xã có đường Xuyên Á đi ngang qua (dài 4,5 km), tạo cho xã có hai mặt tiền tiếp giáp quốc lộ. Từ đó giúp nhân dân ở đây được thuận lợi trong việc phát triển kinh tế gia đình theo hướng thương mại - dịch vụ. Trên địa bàn xã còn có hơn 20 Km đường giao thông nông thôn đã được nhựa hóa, còn lại là đường sỏi đỏ. Đến nay xe ô tô, xe tải có thể đến được tất cả các nơi trong xã, kể cả những khu vực xa xôi nhất. Về điện, đến nay 100% hộ dân trong xã đều sử dụng điện lưới quốc gia. Về hệ thống giáo dục, trên địa bàn xã có 12 điểm trường học, trong đó gồm 2 trường mầm non, 8 trường tiểu học và 2 trường trung học cơ sở. Đến nay đã có 5 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Trạm y tế xã những năm qua đạt chuẩn quốc gia và hiện nay đang được đầu tư nâng cấp. Trên 90% số hộ dân trong xã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia. Những năm qua dịch vụ Internet trên địa bàn xã phát triển rất mạnh, hiện nay xã có đến 14 điểm Internet và 3 điểm phục vụ bưu chính viễn thông. Từ khi có khu công nghiệp đến nay, cơ cấu kinh tế của xã chuyển đổi rất nhanh. Rất nhiều hộ dân chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp sang thương nghiệp và các loại hình dịch vụ. Hiện nay trên địa bàn xã có 674 hộ đăng ký kinh doanh các ngành nghề thương mại-dịch vụ. Cùng với việc phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nghề nông và các nghề thủ công truyền thống vẫn tiếp tục giữ gìn và phát triển. Nhờ vậy mà đời sống kinh tế của người dân những năm qua không ngừng phát triển. Đến cuối năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trong xã trên 20 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn xã không còn nhà tạm bợ, dột nát. Xã đã có trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định. Đến nay, 9/9 ấp của xã đều được công nhận ấp văn hóa. Về hệ thống chính trị, Đảng bộ xã hiện có đến 436 đảng viên, đang tham gia sinh hoạt ở 22 chi bộ trực thuộc. Trong đó có khoảng 70% đảng viên là cán bộ hưu trí. Nhiều năm liền Đảng bộ xã An Tịnh được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Các tổ chức chính trị xã hội của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên. Nhìn chung số cán bộ xã đều đạt chuẩn theo quy định.

Trong số 25 xã xây dựng điểm nông thôn mới ở Tây Ninh, có nhiều địa phương được chọn hai xã như huyện Trảng Bàng, huyện Dương Minh Châu, huyện Hòa Thành.v.v...có xã thuộc địa bàn vùng sâu, cơ sở hạ tầng, địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, ví dụ như xã Long Khánh, đây là một xã nghèo vùng biên giới của huyện Bến Cầu, đa số người dân trong xã sống bằng nông nghiệp (chiếm 80% tổng số hộ), số còn lại kinh doanh mua bán nhỏ lẻ. Xã Long Khánh có đường biên giới dài 4,4 km giáp với xã Norum của huyện Svay- Tiệp, tỉnh Svay Riêng, Vương quốc Campuchia. Dân số toàn xã gồm 1.454 hộ, 6.251 nhân khẩu, diện tích tự nhiên là 2.843,52 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.781 ha. Nhìn lại quá trình phát triển và xây dựng lại từ những tổn thất, mất mát sau chiến tranh của xã Long Khánh, mới thấy hết được sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Chính nhờ sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi đó, giờ đây đời sống người dân xã Long Khánh có bước chuyển biến về đời sống kinh tế, giảm hộ nghèo tăng hộ giàu khá, không còn hộ nhà tranh vách lá xiêu vẹo. Những năm trước đây, mặt bằng kinh tế xã hội của xã phát triển không đồng đều, hạ tầng cơ sở còn nghèo nàn, điện, đường, trường, trạm còn thiếu thốn mọi mặt, đời sống nhân dân trong xã hết sức khó khăn. Với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước bằng những dự án xóa đói giảm nghèo đầu tư cho các xã nghèo biên giới trong đó có xã Long Khánh, hằng năm số hộ nghèo trên địa bàn xã được kéo giảm đáng kể. Tính từ năm 2005 cho đến nay, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào các công trình phúc lợi trên địa bàn xã để vực dậy nền kinh tế với tiềm năng sẵn có của xã Long Khánh, như đầu tư nâng cấp mở rộng bến tàu Long Khánh để người dân trong và ngoài xã có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng thương mại dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm cho số lao động nhàn rỗi sau mùa vụ. Đầu tư dự án đê bao vùng bán ngập khu vực Đìa Sấu (thuộc khu vực Cầu Lớn, ấp Long Châu, xã Long Khánh) với diện tích là 27 ha để nông dân phát triển sản xuất và nuôi cá xen canh. Đầu tư dự án nâng cấp mở rộng vùng tưới trạm bơm Long Khánh từ vài chục ha lên 220 ha, trong đó xây dựng nhà trạm và bê tông hóa hệ thống kênh tưới và kênh tiêu với các hạng mục công trình gồm: 1 kênh chính với chiều dài 222 mét, 2 kênh tiêu chiều dài 3.228 mét, ngoài ra còn có hệ thống kênh cấp I gồm 5 tuyến kênh với chiều dài 4.713 mét, hầu hết đều được bê tông hóa để nông dân mở rộng diện tích sản xuất. Về y tế, giáo dục cũng được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng trạm y tế, trường học đạt chuẩn quốc gia. Trường tiểu học Long Khánh A được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia với kinh phí hơn 16 tỷ đồng do Công ty Him Lam tài trợ. Hiện nay xã Long Khánh đang đầu tư xây dựng mới một sân vận động đúng theo tiêu chuẩn để phục vụ hoạt động thể dục thể thao của nhân dân. Hầu hết các tuyến đường trong các khu dân cư đều được nâng cấp, có đường còn được trải nhựa dài hơn 5 km nối liền với xã Norum (Campuchia) để nhân dân hai nước qua lại trao đổi mua bán hàng hóa. Tất cả những sự đầu tư đáng kể đó là tiền đề thuận lợi cho xã Long Khánh xây dựng xã nông thôn mới theo tiêu chí của Chính phủ. Nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng thành công nông thôn mới ở các xã điểm.

Một trong các khó khăn hiện nay của Tây Ninh là việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đây là tiêu chí số 1 trong 19 tiêu chí, nhưng cấp xã và cả cấp huyện vẫn không đủ năng lực để thực hiện, hầu hết phải thuê tư vấn. Sở Xây dựng Tây Ninh đã thành lập tổ quy hoạch xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ các xã, hiện nay 25 xã đã tiếp cận với đơn vị tư vấn và đã có 3 xã được tập huấn xây dựng đề án. Hiện có hai xã Tân Hưng, Tân Hòa thuộc huyện Tân Châu đã lập xong đề án xây dựng nông thôn mới và được Ủy ban nhân dân huyện Tân Châu thông qua đề cương chi tiết. Trước tình hình số xã chưa có nhiều tiêu chí đạt so với quy định, đại diện các sở, ngành tỉnh đã đề nghị với Thường trực Ban chỉ đạo cần có phân kỳ đầu tư để đầu tư tập trung cho xã có số tiêu chí đạt khá nhằm hoàn thành dứt điểm xây dựng nông thôn mới ở một số xã trong giai đoạn nhất định. Nhiều ý kiến cho rằng, cần chọn 2 tiêu chí làm khâu đột phá, đó là hạ tầng giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh nội đồng. Đây là 2 tiêu chí khó khăn nhất và sẽ tiêu tốn nhiều kinh phí nhất, bởi hệ thống giao thông nông thôn ở cấp xã chưa hoàn chỉnh. Nhiều năm qua, Tây Ninh đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó có hệ thống giao thông, kể cả huy động thưc hiện giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, song nhu cầu thực tế cao trong khi nguồn lực còn hạn chế. Hiện tại còn rất nhiều tuyến đường nông thôn ở xã cần được đầu tư nâng cấp hoặc sửa chữa. Việc hoàn thành 2 tiêu chí nêu trên sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn một cách nhanh chóng. Theo nhận định chung của Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành, các huyện/thị và Ban quản lý các xã chưa được chặt chẽ. Hiện chỉ mới tổ chức đuợc 1 lớp tập huấn cấp tỉnh và huyện cho 82 cán bộ, 4 lớp tập huấn cho 180 cán bộ của 25 xã điểm. Chính vì vậy đa số cán bộ cấp cơ sở và người dân chưa hiểuhết ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác tổ chức tuyên truyền, vận động người dân cũng chỉ mới được thực hiện ở một số sở, ngành, huyện, thị xã, chưa trở thành phong trào sâu rộng trong toàn dân. Trong thực tế, có Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở cấp xã khá lúng túng trong tổ chức thực hiện nên tiến độ triển khai chương trình trên địa bàn xã còn chậm. Trước tình hình thực tế trên, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo, các sở, ngành và các huyện, thị xã cần tiếp tục tích cực quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương ra các ngành các cấp; phối hợp với Ban Tuyên giáo và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh tuyên truyền sâu rộng hơn trong nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình. Thống nhất phân kỳ đầu tư cho 25 xã điểm giai đoạn 2011 - 2015. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục hướng dẫn các xã lập quy hoạch, đến cuối quý 3.2011 phải hoàn thành quy hoạch 25 xã điểm và đến cuối năm 2011 sẽ quy hoạch xong 58 xã còn lại./.

                                                                                                Mai Lan (theo ĐCSVN Oline)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây