Tây Ninh: Phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 30/10/2023 10:04 795 0
UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành Kế hoạch số 3429/KH-UBND Triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

I. THỰC TRẠNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP 
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong thời gian qua hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) đã có nhiều chuyển biến tích cực, tính đến tháng 9 năm 2023, có 120 HTXNN chiếm khoảng 66% tổng số HTX của tỉnh, thu hút gần 3.880 thành viên (chủ yếu hộ nông dân) tham gia. Các HTXNN từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ hướng đến quy mô lớn. 

Chất lượng nông sản hàng hóa của các HTXNN ngày càng được nâng lên; sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì phong phú; các HTXNN đã thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết đầu tư; liên kết vùng nguyên liệu, phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, thu hút được nhiều lao động ở nông thôn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Đã hình thành và phát triển liên kết kinh tế giữa các HTXNN với nhau và giữa HTXNN với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất; đến nay, toàn tỉnh có 80/120 HTXNN tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã với hợp tác xã; 17/120 HTXNN ứng dụng công nghệ cao.

Kết quả đánh giá xếp loại HTXNN năm 2022 theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: 17 HTX xếp loại Tốt, 29 HTX xếp loại Khá, 47 HTX xếp loại Trung bình, 06 HTX hoạt động nhưng không báo cáo, 07 HTX mới thành lập chưa đủ 12 tháng, 02 HTX củng cố lại, 12 HTX ngừng hoạt động (các phụ lục kèm theo).

HTXNN thành lập mới năm 2023 đa dạng hơn về mô hình sản xuất kinh doanh, nhạy bén trong việc áp dụng các quy trình công nghệ, áp dụng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Trong thời gian tới cần tập trung phát triển mạnh mẽ, để HTXNN giữ vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững; cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; thúc đẩy hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp vùng; tổ chức quản trị tốt chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản; chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; từng bước hình thành các trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp; góp phần quan trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức, nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững; xây dựng quan hệ bình đẳng, môi trường hợp tác, liên kết lành mạnh; tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao vị thế, vai trò của người dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. 

1. Mục tiêu chung
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTXNN theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sang tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTXNN gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTXNN trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn; góp phần năng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể
Số lượng HTXNN hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTXNN trên toàn tỉnh; củng cố, phát triển các HTXNN hoạt động trung bình để đạt tiêu chí HTXNN hoạt động tốt, khá; đồng thời, xử lý giải thể các HTXNN yếu kém, ngừng hoạt động lâu ngày. 

Xây dựng ít nhất 05 mô hình HTXNN điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTXNN đạt từ 2,5 - 5 tỷ đồng/năm trở lên; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh, trên địa bàn tỉnh, ngành hàng. 
Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX; vận động từ 40 - 50% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên HTXNN.

Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 10%; doanh thu tăng ít nhất 20%; khoảng 30% HTXNN có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ít nhất có khoảng 10% HTXNN là chủ thể OCOP.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu 15% HTXNN ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. 

Có khoảng 30% cán bộ quản lý HTXNN (Ban giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, Ban kiểm soát) được đào tạo nghề giám đốc HTXNN theo chương trình đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ sở đào tạo khác; ưu tiên đào tạo lực lượng lao động trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTXNN.

Hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTXNN.

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Xây dựng mô hình HTXNN phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

2. Rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTXNN.

3. Tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững HTXNN.

4. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTXNN. 

5. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển HTXNN.

6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ phát triển HTXNN.

7. Nâng cao vai trò cấp ủy đảng, chính quyền, Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển HTXNN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây