Thành phố Tây Ninh: Đổi thay ở các xã đang xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy - 26/04/2014 00:00 39 0
Đến các xã nông thôn của thành phố Tây Ninh ngày nay, người ta sẽ được chứng kiến những nét đổi thay trên những con đường vừa láng nhựa, những con hẻm bê tông xi măng, những ngôi trường tươi mới hay trạm y tế khang trang, sạch đẹp… Đó là kết quả của 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở thành phố Tây Ninh.

Khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố Tây Ninh (khi đó là thị xã Tây Ninh) có 5 xã gồm: Bình Minh, Thạnh Tân, Tân Bình, Ninh Sơn và Ninh Thạnh.

Đường giao thông nông thôn ở xã Bình Minh

 

Sau 3 năm (2011-2013) triển khai thực hiện, việc xây dựng nông thôn mới ở các xã đã đạt kết quả khả quan. Đây chính là nền tảng để cuối năm 2013, Chính phủ ban hành nghị quyết thành lập 2 phường Ninh Sơn và Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh cũng được công nhận là thành phố Tây Ninh.

Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố Tây Ninh rất chú trọng đầu tư cho các xã theo những nội dung của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, các xã đã xây dựng hoàn thành đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, các quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn.

Thành phố chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân bằng các hình thức như: xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cao với 6 câu lạc bộ nuôi trồng sinh vật cảnh, tổ chức và duy trì 5 tổ liên kết trồng rau an toàn và nuôi bò sinh sản; tổ chức 10 lớp dạy nghề cho 316 lao động và 50 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn người lao động; xây dựng 2 dự án chăn nuôi bò sinh sản cho 14 gia đình với số vốn hỗ trợ là 285 triệu đồng... nhằm hỗ trợ người dân tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.

Song song đó, Thành phố cũng quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn. Trong 3 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn từ ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách của địa phương và nhân dân đóng góp, thành phố Tây Ninh đã xây dựng 7 trường học theo chuẩn quốc gia, kiên cố hoá; nâng cấp và xây dựng 47 dự án đường giao thông; xây dựng mới 4 trạm y tế xã; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, chợ... với tổng kinh phí gần 63 tỷ đồng; góp phần xây dựng 11/25 trường ở các xã có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 5/5 trạm y tế duy trì chuẩn quốc gia; chăm lo đời sống cho hộ nghèo, Thành phố đã vận động xây tặng 38 căn nhà đại đoàn kết, xoá nhà tạm, nhà dột trên địa bàn.

Hệ thống chính trị - xã hội của các xã ngày càng hoàn thiện (có 3/5 xã đạt tiêu chí 18); công tác bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội đạt hiệu quả (3/5 xã đạt tiêu chí 19); vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đã có 2 xã được công nhận xã văn hoá.

Công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng như qua các hội nghị, các cuộc họp dân cư, tiếp xúc cử tri, lồng ghép trong các hoạt động xã hội, cấp phát tài liệu, tham gia đợt hội diễn văn nghệ, tổ chức các hội thi, các cuộc toạ đàm… Qua công tác tuyên truyền, triển khai, địa phương đã vận động được các nguồn lực từ xã hội đóng góp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới trên 4 tỷ đồng.

Sau 3 năm xây dựng theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đến cuối năm 2013, xã Bình Minh đạt 14/19 tiêu chí, xã Ninh Thạnh đạt 11 tiêu chí, xã Thạnh Tân và xã Ninh Sơn đạt 10, xã Tân Bình đạt 9.

Như vậy, đến nay thành phố Tây Ninh chỉ còn 3 xã nông thôn là Bình Minh, Thạnh Tân, và Tân Bình. Trong đó Bình Minh là xã điểm của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới với mục tiêu phấn đấu cuối năm 2014, xã sẽ đạt 19/19 tiêu chí của xã nông thôn mới.

Ông Nguyễn Hữu Mỹ- Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố Tây Ninh cho biết: “Trong năm 2014 này, Thành phố tập trung đầu tư để xây dựng xã Bình Minh đạt xã nông thôn mới, tiếp đến là phấn đấu đưa xã Thạnh Tân đạt xã nông thôn mới vào năm 2015, riêng xã Tân Bình đạt xã nông thôn mới đến năm 2020”.

Trước mắt xã Bình Minh cần tập trung để đạt các tiêu chí còn lại,  đồng thời, tăng cường việc vận động nhân dân tích cực tham gia cùng với Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp hưởng ứng việc xây dựng đường giao thông xóm, ấp; tham gia quản lý, giám sát các công trình, bảo quản, sửa chữa các con đường đã xây dựng để sử dụng lâu dài. Đối với 2 xã Thạnh Tân, Tân Bình, Thành phố tiếp tục thực hiện các nội dung theo chương trình đã đề ra, trong đó, xác định các tiêu chí cần tập trung chỉ đạo thực hiện.

Hiện nay thành phố Tây Ninh đang đối mặt với khó khăn lớn, đó là nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các xã nông thôn mới.

Ông Nguyễn Hữu Mỹ chia sẻ: “Thành phố đang tranh thủ mọi nguồn vốn của tỉnh và địa phương, các nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân đóng góp để đầu tư cho các xã này. Đồng thời, Thành phố đang cần có nhiều biện pháp huy động các nguồn lực ngoài xã hội để xây dựng nông thôn mới thông qua việc tăng cường vận động, tuyên truyền với các hình thức đa dạng, phong phú”.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh đất nước còn không ít khó khăn, cần phải tập hợp mọi nguồn lực để thực hiện thành công công tác này. Thành phố đang nỗ lực thực hiện và kêu gọi toàn dân cùng chung tay, góp sức xây dựng bộ mặt của Thành phố ngày càng tươi đẹp hơn.

(Theo baotayninh.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây