Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể.
UBND tỉnh đề ra các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề; gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; đổi mới phương pháp giảng dạy; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, kiểm tra giám sát.
Nhằm thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch như sau:
Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã tham mưu UBND tỉnh trong việc cụ thể hóa kế hoạch; theo dõi quá trình tổ chức thực hiện; tổng hợp báo cáo hàng năm và giai đoạn về UBND tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phân khai Kế hoạch vốn Trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Kế hoạch đào tạo hàng năm cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài chính trên cơ sở lập dự toán hàng năm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, căn cứ tình hình và khả năng ngân sách, Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí hàng năm cho các hoạt động thực hiện kế hoạch nâng cao nâng cao chất lượng dạy nghề trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013 – 2015.
Sở Nội vụ phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định đối tượng trình Chủ tịch UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí và cử giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề đi đào tạo sau đại học nhằm chuẩn hóa và nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm; tăng cường công tác quản lý nhà nước về dạy nghề trên địa bàn, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dạy nghề cấp huyện, thị xã và cơ sở; vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia và hỗ trợ cho công tác dạy nghề.
Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình phối hợp các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề.
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan đoàn thể tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện kế hoạch ở các cấp; tổ chức tuyên truyền cho hội viên của mình về công tác dạy nghề, học nghề, lao động, việc làm.
Các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động tích cực tham gia thực hiện các chương trình, đề án về dạy nghề, giải quyết và ổn định việc làm, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động, chấp hành chế độ khai trình, báo cáo theo qui định.
Các cơ sở dạy nghề thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về dạy nghề, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dạy nghề, tuân thủ các quy định về hoạt động dạy nghề, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dạy nghề.
K.Thành