Tình hình quản lý, đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Thứ hai - 25/12/2017 16:00 280 0
Theo báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách tỉnh, nhìn chung, công tác quản lý, đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu thời gian qua đã có những đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai nhiều dự án đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; tăng thêm một số nguồn thu cho ngân sách địa phương; thúc đẩy hình thành những khu vực đô thị mới cùng với nhiều loại hình dịch vụ (tài chính, ngân hàng, dịch vụ tiêu dùng,...); tạo thêm nhiều việc làm ổn định tại địa phương, hình thành đội ngũ lao động có tay nghề và tác phong lao động công nghiệp; góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.

10 tháng năm 2017, tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu có 298 dự án đầu tư còn hiệu lực (gồm 201 dự án FDI và 97 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.660,37 triệu USD và 14.304,39 tỷ đồng (tương đương 5.436,67 triệu USD). Trong đó, có 204 dự án đi vào hoạt động, 12 dự án tạm dừng hoạt động, 26 dự án đang triển khai xây dựng, 56 dự án chưa triển khai xây dựng. Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Công tác quản lý, thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu thời gian qua luôn được lãnh đạo địa phương và các ngành quan tâm thực hiện thực hiện bằng các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực mà địa phương có tiềm năng, xây dựng các video clip giới thiệu tổng quan về tiềm năng, thế mạnh đầu tư của tỉnh, phục vụ công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,...giúp hình ảnh của Tây Ninh được giới thiệu rộng rãi đến các nhà đầu tư tiềm năng, góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đến đầu tư tại địa phương.

Lãnh đạo địa phương và các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đến làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm kiểm tra, thanh tra, đánh giá tiến độ triển khai các dự án đầu tư; việc chấp hành các quy định của pháp luật về tuyển dụng, quản lý và thực hiện các chế độ đối với người lao động ; bảo vệ môi trường; tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện báo cáo theo đúng quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi vi phạm.

Các chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư, nhất là các dự án khu công nghiệp được các địa phương, các ngành quan tâm thực hiện kịp thời; UBND tỉnh đã có chỉ đạo việc tổ chức rà soát, đánh giá về quy mô, chức năng và tính khả thỉ của các khu - cụm công nghiệp, khu kinh tế đã quy hoạch để có những định hướng điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương; sử dụng lồng ghép nhiều nguồn vốn (ngân sách trung ương, địa phương, từ nguồn chương trình khuyến công,...) nhằm hỗ trợ một số dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách tỉnh, công tác thu hút đầu tư và việc triển khai các dự án tại các cụm công nghiệp và khu kinh tế còn chậm, số dự án và số vốn đăng ký thực hiện tại các cụm công nghiệp không nhiều, từ 2014 đến nay chỉ thu hút được 521,76 tỷ đồng và 1,25 triệu USD, chiếm tỷ lệ 4,54% so với tổng vốn đầu tư trong nước (11.486,42 tỷ đồng) và 0,03% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn (3.166,356 triệu USD); số dự án cấp mới trong cụm công nghiệp chỉ đạt 5/151 dự án trong nước (có 140 dự án bên ngoài và 11 dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế), chiếm tỷ lệ 3,33% so với số dự án trong nước cấp mới trên địa bàn. Trong 140 dự án cấp mới ngoài khu công nghiệp chỉ có 05 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp, chiếm 3,57%; Trong 06 cụm công nghiệp hoạt động, chỉ có 02 cụm đạt tỷ lệ lấp đầy (Hòa Hội và Thành Long); 01 cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư nhưng chưa triển khai xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng do năng lực hạn chế (Thanh Thanh Xuân 1 chỉ thu hút được 01 dự án chế biến tinh bột mì); 04 cụm công nghiệp do chưa có nhà đầu tư hạ tầng (Hòa Hội, Bến Kéo, Ninh Điền và Thành Long) nên gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với các dự án trong cụm công nghiệp, nhất là công tác bảo vệ môi trường; tỷ lệ diện tích đất được lấp đầy còn rất thấp; số doanh nghiệp đầu tư sản xuất còn rất ít, hầu hết là các dự án sử dụng nhiều đất đai và lao động với ngành nghề chủ yếu là gia công sản phẩm xuất khẩu, giá trị tăng thêm còn thấp,...;

Các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp trong nước, quy mô nhỏ, hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ và trình độ quản lý; ngành nghề đầu tư không phù hợp (chế biến mì, cao su, hạt điều), ... .

Việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại hầu hết khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế theo các quy hoạch được phê duyệt còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trên địa bàn tỉnh có 02 cửa khẩu quốc tế gồm Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với diện tích 21.284 ha và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát với diện tích 34.197 ha; 06 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động gồm: Trảng Bàng, Thành Thành Công, Chà Là, Phước Đông và Khu Chế Xuất Linh Trung 3 và KCN TMTC - nằm trong KKTCK Mộc Bài với tổng diện tích đất tự nhiên được quy hoạch là 3.958 ha và 18 cụm công nghiệp  với diện tích quy hoạch là 802,48 ha.

Quá trình thực hiện quy họach và triển khai các dự án đầu tư, xây dựng còn nhiều hạn chế, nhất là các khu kinh tế cửa khẩu và các cụm công nghiệp. Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, tình hình thực hiện quy hoạch tại 02 Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát hiện đang tồn tại nhiều bất cập, cần phải tiến hành rà soát điều chỉnh. Cụ thể, tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, hầu hết nội dung, định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch hiện không còn phù hợp với yêu cầu quản lý quy hoạch xây dựng cũng như yêu cầu về quản lý đô thị theo định hướng chiến lược phát kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực và cửa Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; đối với Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, do diện tích được quy hoạch quá lớn, cùng với tình trạng chồng lấn với ranh đất rừng phòng hộ và phần lớn của diện tích Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát nên hơn 10 năm qua các mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch Khu kinh tể cửa khẩu Xa Mát hầu như không được thực hiện, các chỉ tiêu quy hoạch khu đô thị cửa khẩu thiếu tính khả thi so với yêu cầu phăt triển.

Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội, nhất là các thiết chế văn hóa chưa được quan tâm đầu tư đầy đủ, đồng bộ cùng với việc tổ chức hoạt động thiếu thường xuyên, kém hấp dẫn; nhiều dự án nhà ở chưa thu hút được đa số công nhân trong khi nhiều người lao động đang muốn sống tại các khu nhà trọ bên ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tể (điều kiện sinh hoạt, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường rất hạn chế); Công tác quản lý, giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, nước thải và khí thải của nhiều dự án tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiệu quả còn thấp; một số vấn đề phát sinh về ô nhiễm môi trường (tiếng ồn, khỏi thải, nước thải) theo kiến nghị của người dân xung quanh chưa được quan tâm giải quyết triệt để. Qua kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản các doanh nghiệp đang hoạt động đều đáp ứng đầy đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định và cam kết theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất: thiếu giám sát môi trường định kỳ, quản lý chất thải nguy hại chưa đúng quy định, thu gom và xử lý khí thải, nước thải chưa đạt quy chuẩn; Mối quan hệ phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng cấp tỉnh trong việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước và kiểm tra, giám sát hoạt động của các dự án đầu tư chưa chặt chẽ và thống nhất.

Theo Ban Kinh tế-Ngân sách tỉnh, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do quy hoạch nhiều khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp có quy mô quá lớn, trong khi nguồn lực đầu tư, năng lực quản lý và các chính sách ưu đãi để phát triển chưa thật sự hấp dẫn (chính sách ưu đãi về thuế trong khu kinh tế không ổn định, kém hấp dẫn nhà đầu tư) nên tính khả thi chưa cao; bên cạnh đó, vị trí và quy mô của nhiều phân khu chức năng của một số dự án quy hoạch, nhất là các khu kinh tế cửa khẩu (cụm công nghiệp, khu đô thị cửa khẩu,...) chưa thật sự hợp lý nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn;

Quá trình triển khai đầu tư thực hiện quy hoạch phát sinh một số bất cập do chồng lấn quy hoạch đất rừng, đất vành đai biên giới, đất đã cấp cho các dự án khác nên triển khai thực hiện gặp khó khăn;

Nguồn ngân sách của địa phương còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư hạ tầng bên ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế và cụm công nghiệp còn chưa đồng bộ với nhu cầu phát triển, nên khả năng thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư có nhiều hạn chế (nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp ít được hưởng ưu đãi),

Nhiều cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư và thu hút đầu tư vào các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi và chưa thật sự hấp dẫn, nhất là đối với tỉnh biên giới; đồng thời, việc thực hiện các chính sách liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế và cụm công nghiệp (chủ yếu là giá đền bù, chính sách hễ trợ về đất);

Không ít nhà đầu tư hạ tầng còn hạn chế về năng lực tài chính (không đủ nguồn kinh phí đền bù toàn bộ dự án với diện tích lớn) và kinh nghiệm đầu tư, nên kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án; mặt khác, cách triển khai thực hiện của từng dự án chưa có sự thống nhất và đồng bộ (do năng lực tài chính) phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống của các hộ dân bị ảnh hưởng (so sánh giá đền bù, chậm được tái định cư, ...) nên phát sinh một số trường hợp khiếu kiện;

Phân cấp trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế chưa rõ ràng, thiếu thống nhất, tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ và thường chỉ tập trung ở cấp tỉnh (cấp địa phương chỉ tham gia góp ý, hỗ trợ nhà đầu tư trước khi cấp phép hoặc trong giai đoạn giải phóng mặt bằng); vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương còn rất mờ nhạt đối với tình hình hoạt động của các dự án (không được cung cấp thông tin, báo cáo hoặc giám sát các hoạt động của dự án - ngoại trừ trường hợp có xảy ra đình công, tranh chấp lao động, khiếu kiện, ...), điều này phần nào làm hạn chế vai trò, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của chính quyền các địa phương nơi có các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế;

Chất lượng nguồn nhân lực làm việc tại các dự án đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông (hầu hết xuất thân từ khu vực nông thôn, ít được đào tạo nghề cơ bản, chưa có tác phong công nghiệp, am hiểu pháp luật hạn chế,...); bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm lao động, nhất là lao động có tay nghề đã gây nhiều khó khăn trong thu hút các dự án đâu tư có quy mô lớn, suất đầu tư cao, công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng cao;

Hiệu quả quảng bá hình ảnh của địa phương và xúc tiến đầu tư thời gian qua còn thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kêu gọi và thu hút các nguồn lực đầu tư vào các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế và cụm công nghiệp đã triển khai.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, triển khai và thu hút đầu tư các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; theo Ban Kinh tế và Ngân sách tỉnh, cần tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện quy hoạch khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp theo những định hướng phát triển của địa phương để có giải pháp điều chỉnh kịp thời (quy mô, phân khu chức năng, ...); Tăng cường kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai các dự án đầu tư nhằm chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời cương quyết xử ỉý các dự án vi phạm quy định về thực hiện đầu tư; Nâng cao hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, khu vực có tiềm năng (sản xuất các sản phẩm sau cao su, tinh bột mì, mía đường, chế biến nông sản,...), trong đó, tập trung cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư; đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (cải tiến thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định, ...) giúp các nhà đầu tư tiếp cận nhanh các điều kiện triển khai dự án…

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây