Gặp gỡ trực tiếp nhà đầu tư
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang là một điểm sáng trong thu hút nguồn vốn đầu tư mới, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) của Tỉnh.
Tính đến ngày 31/5 vừa qua, Tây Ninh đã thu hút trên 1,4 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư FDI với 206 dự án khác nhau tại các KCN trên địa bàn Tỉnh. Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2011 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam thực hiện, Tây Ninh xếp thứ 25/63 tỉnh, thành cả nước; về thu hút vốn FDI xếp thứ 9/63 tỉnh, thành với sự góp mặt của các nhà đầu tư đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Để đạt được kết quả trên, theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư đến các nước phát triển trong khu vực, châu Mỹ, châu Úc và Châu Âu nhằm giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư vào địa phương. Đặc biệt, trong các cuộc xúc tiến đầu tư này, Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và du lịch. Thu hút FDI vào Tỉnh được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau như: xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, tổ chức hội nghị chuyên đề, đón tiếp nhà đầu tư tham quan, quảng cáo trên phương tiện truyền thông...
Hơn nữa, Tây Ninh luôn xác định, kênh xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất là qua các nhà đầu tư nước ngoài lâu năm tại các KCN trên địa bàn. Sự đánh giá của họ tác động đến nhà đầu tư khác một cách dễ dàng và thuyết phục nhất. Tây Ninh thu hút FDI bắt đầu ngay từ việc phục vụ hạ tầng, xử lý thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi theo đúng quy định của pháp luật và chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư. Từ đó, Tỉnh có được những phản hồi thiết thực nhất từ phía họ để xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, thuận lợi trong quá trình hoạt động.
Khu công nghiệp cửa khẩu đang là lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh Tây Ninh
Đặc biệt, ở phương diện là địa phương cần vốn để đầu tư phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh và trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, Lãnh đạo Tỉnh đích thân gặp gỡ trực tiếp cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của họ nhằm hỗ trợ, điều chỉnh các chính sách, cơ chế phù hợp nhưng vẫn đảm bảo đúng các quy định về thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật.
Không để nhà đầu tư đợi "đất sạch"
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đánh giá, Tây Ninh có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Tỉnh nằm ở vị trí giao kết của các tuyến đường giao thông huyết mạch trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) với hành lang kinh tế phía Nam chạy suốt từ tỉnh Dawei của Myanamar qua Thái Lan, Campuchia tới các cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Việt Nam; có chung cửa khẩu với nước bạn Campuchia; có đường Hồ Chí Minh chạy qua và dễ dàng tiếp cận với các cảng biển cũng như các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Năm 2015, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được chính thức hình thành, chúng ta sẽ chứng kiến những động thái liên kết kinh tế vùng ngày càng sôi động và mang tầm vóc cao hơn. Trong tương lai, Tây Ninh hứa hẹn là điểm trung chuyển, tiếp vận, tập kết và phân phối hàng hóa của cả khu vực ASEAN và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Xác định được cơ hội to lớn này, tỉnh Tây Ninh đang thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư mạnh mẽ, quy mô lớn tại một số tỉnh, thành lớn trong nước và các nước trong khu vực để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN để thu hút nhiều nhà đầu tư.
Theo đó, Tỉnh đang tập trung thu hút các nhà đầu tư là các tập đoàn công nghiệp và du lịch có kinh nghiệm có khả năng tự đảm bảo xây dựng các hạ tầng kỹ thuật lớn làm hạt nhân để thu hút các nhà đầu tư vệ tinh khác. Bên cạnh việc thu hút đầu tư có chọn lọc, có định hướng, Tây Ninh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào KCN, nhất là các doanh nghiệp có 100% vốn Việt Nam bằng những chính sách ưu đãi hợp lý.
Riêng Chương trình đầu tư hạ tầng – một trong các khâu đột phá trong giai đoạn 2011-2015, Tây Ninh đã xác định, trước hết phải huy động được nguồn vốn từ nội lực dành cho công tác đền bù giải tỏa, giải quyết sẵn nguồn “đất sạch” cho nhà đầu tư khi dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, Tỉnh sẽ tập trung kết hợp nguồn vốn từ ngân sách địa phương, vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, vốn trái phiếu chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và kêu gọi đầu tư thông qua nhiều hình thức khác nhau nhằm huy động tiềm lực tài chính từ khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển.
Bài và ảnh: Minh Tú