Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo

Thứ năm - 22/02/2024 12:21 703 0
Sáng ngày 22/02/2024, Đoàn Giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Tây Ninh do đồng chí Phạm Hùng Thái – Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội đơn vị Tây Ninh làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo về chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.

 

Toàn cảnh buổi Giám sát

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã thực hiện rà soát, hoàn thiện và xây dựng Quy hoạch mạng lưới các trường trung học phổ thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện hợp nhất, sáp nhập giải thể các trường trung học phổ thông công lập theo hướng một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp giáo dục công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; không thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phước báo cáo với Đoàn Giám sát

Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã sắp xếp, tổ chức lại 10/34 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, giảm 05 đơn vị, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, đạt tỉ lệ 14,7%. Thực hiện rà soát, thuyên chuyển đối với cán bộ quản lý, nhân viên dôi dư do sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập. Giao quyền tự chủ cho 29/29 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở; các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ tài chính đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đồng bộ cả về thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính; sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao có hiệu quả.

Tập trung nguồn lực, phát triển xã hội hóa giáo dục, đến nay số trường ngoài công lập đạt 28 trường/457 trường, chiếm 6,12% của tổng số trường trên địa bàn Tây Ninh. Trong đó, số trường mầm non ngoài công lập là 26/134 trường (chiếm 19,40%), số trường THPT ngoài công lập là 02/28 trường (chiếm 7,14%).

Tuy nhiên, mặc dù sáp nhập các cơ sở giáo dục nhưng vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, các chế độ cho giáo viên về thực hiện phụ cấp cho giáo viên giảng dạy và lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập chưa đồng bộ.

Trước thực trạng trên, ngoài các chính sách của Trung ương, ngành giáo dục cũng có một số kiến nghị, giải pháp tại tỉnh đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế và triển khai thực hiện xã hội hoá các hoạt động thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023 – 2025 định hướng đến năm 2030; mở rộng quy mô các trường phổ thông đạt mức kiểm định chất lượng; tiếp tục tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo, tăng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo ở mức không thấp hơn 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước của tỉnh, triển khai thực hiện chế độ học phí mới và các chính sách xã hội hỗ trợ, khuyến khích học tập.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng quan tâm đến cơ sở vật chất, hiệu quả hoạt động, giảng dạy tại các trường sáp nhập có nhiều cấp học; tình hình thực hiện tinh gọn biên chế viên chức sự nghiệp tại các cơ sở giáo dục; kết quả thực tế trong sau khi thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, phân cấp tại các cơ sở giáo dục công lập và việc chuyển đổi mô hình từ công lập sang ngoài công lập tại một số trường.

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội đơn vị Tây Ninh Phạm Hùng Thái - trưởng đoàn Giám sát kết luận buổi Giám sát

Kết luận buổi Giám sát, đồng chí Phạm Hùng Thái – Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh ghi nhận nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh nhà trong bám sát các Chỉ thị, Nghị định, các văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương về thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vị quản lý gian đoạn 2018- 2023.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục về công tác sáp nhập các cơ sở giáo dục; nguồn nhân lực nâng cao đảm bảo theo yêu cầu chất lượng giáo dục hiện nay; công tác xã hội hóa, chuyển đổi mô hình giáo dục công lập ra ngoài công lập ở cấp mầm non, tiểu học; công tác tự chủ tài chính tại cơ sở.

Trưởng đoàn Giám sát Phạm Hùng Thái đề nghị ngành giáo dục rà soát, đánh giá lại việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục; tham mưu đề xuất xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục và đào tạo của tỉnh, chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách hỗ trợ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.

Việt Khoa

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây