Để đạt tiêu chí về thuỷ lợi ở 25 xã điểm xây dựng NTM: Mỗi năm đầu tư hơn 110 tỷ đồng

Thứ bảy - 20/10/2012 00:00 72 0
Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khoá VIII vừa qua đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015”. Một trong những lĩnh vực trong Nghị quyết này được tập trung hỗ trợ là thuỷ lợi. Hiện tại hệ thống thuỷ lợi ở Tây Ninh bao gồm hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng và hệ thống 7 trạm bơm điện. Trong đó, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng có đến 1.423 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 1.400 km và hệ thống 7 trạm bơm có 90 tuyến kênh với tổng chiều dài là 84,6 km. Riêng hệ thống kênh tiêu hiện có 249 tuyến với tổng chiều dài là 584 km. Thế nhưng để đạt được tiêu chí về thuỷ lợi theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) thì nguồn vốn cần tiếp tục đầu tư không phải là nhỏ.

 

Một tuyến kênh chưa được kiên cố hoá ở Dương Minh Châu

Theo Bộ tiêu chí quốc gia, muốn đạt tiêu chí về thuỷ lợi phải đạt 2 chỉ tiêu: Hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; tỷ lệ km trên kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá từ 85% tổng chiều dài trở lên. Theo kế hoạch, từ nay đến 2015, Tây Ninh phấn đấu xây dựng đạt chuẩn NTM ở 25 xã điểm. Trong những năm gần đây dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” triển khai đã góp phần rất lớn trong việc kiên cố hoá kênh mương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo khảo sát của ngành chức năng thì hiện nay hệ thống thuỷ lợi ở nhiều địa phương chưa đạt chỉ tiêu. Cụ thể là trong 25 xã điểm xây dựng NTM đã được chọn, có 4 xã chưa được hưởng nước tưới từ hệ thống thuỷ lợi do địa thế đất cao (các xã Thạnh Tân, Tân Hoà, Tân Hưng và Long Thành Trung). Muốn thực hiện tiêu chí thuỷ lợi ở 4 xã này thì phải đầu tư xây dựng mới nhiều trạm bơm và hệ thống kênh- nghĩa là cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn. Còn ở 21 xã điểm còn lại, nếu tính theo đơn vị huyện thì Châu Thành là huyện có tỷ lệ kiên cố hoá kênh đạt cao nhất (85%) và 3 xã điểm thuộc Châu Thành cũng có tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương khá cao. Trong đó cao nhất là xã Thanh Điền đạt tỷ lệ hơn 95%, kế đến là xã An Bình (hơn 87%) và Thái Bình (hơn 83%). Tuy nhiên, ở các huyện còn lại thì tỷ lệ kênh đã được kiên cố hoá còn kém. Cụ thể như huyện Dương Minh Châu có 3 xã được chọn là xã điểm xây dựng NTM nhưng đến nay tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương chung chỉ đạt hơn 11%. Riêng các huyện còn lại, trên địa bàn các xã được chọn làm điểm xây dựng NTM hầu hết chỉ đạt khoảng 50% chiều dài kênh mương đã được kiên cố hoá.

Theo tính toán sơ bộ của ngành chức năng, muốn đạt được 85% số chiều dài kênh được kiên cố hoá theo tiêu chí, chỉ ở 21 xã điểm đã có hệ thống thuỷ lợi, từ nay đến năm 2015 phải đầu tư kiên cố hoá thêm gần 150 km kênh nữa. Đây là khối lượng lớn cần phải có vốn đầu tư đầy đủ, đồng bộ và triển khai nhanh mới có thể đạt được trong vòng hơn 3 năm tới. Đó là chưa tính phần vốn đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm cho 4 xã chưa có hệ thống thuỷ lợi. Khái toán hiện nay tổng mức đầu tư để thực hiện tiêu chí NTM về thuỷ lợi ở 25 xã điểm, từ nay đến năm 2015 cần phải đầu tư khoảng 560 tỷ đồng- tính ra từ năm 2012 đến 2015 bình quân mỗi năm phải đầu tư hơn 110 tỷ đồng.

Trong điều kiện toàn tỉnh phải tập trung đầu tư cùng lúc nhiều lĩnh vực thì nguồn vốn đầu tư lĩnh vực thuỷ lợi là gánh nặng không phải nhỏ đối với ngân sách Nhà nước. Có ý kiến cho rằng cần phải tăng cường vận động nhân dân tham gia trong khả năng, có thể là đóng góp bằng phần diện tích đất khi thực hiện kiên cố hoá kênh mương hoặc khi có kênh nội đồng đi qua. Nếu vận động được như vậy thì gánh nặng nguồn vốn để thực hiện tiêu chí thuỷ lợi sẽ giảm đi đáng kể và tiến độ triển khai sẽ nhanh hơn. Do đó, việc thực hiện thành công tiêu chí thuỷ lợi không chỉ do sự nỗ lực của ngành chức năng mà còn có sự hỗ trợ của các địa phương trong việc vận động nhân dân ủng hộ, tham gia đóng góp xây dựng NTM.

 (Theo BTNO)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây