Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương: Cần bàn bạc, xem xét để quản lý nợ công chặt chẽ, tránh chồng chéo, không hiệu quả

Thứ hai - 19/06/2017 11:00 68 0
Đại biểu Phương cho rằng Ban soạn thảo, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần bàn bạc, xem xét để công tác quản lý chặt chẽ, tránh chồng chéo, không hiệu quả trong quản lý nợ công sau này.

Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) so sánh giữa dự thảo và Luật Quản lý nợ công hiện hành với Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và ông cho rằng trong dự thảo có một số vấn đề chưa phù hợp.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Quản lý nợ công năm 2009, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn thẩm định phương án vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ, của tổ chức tài chính tín dụng.

Nhưng theo quy định tại Điều 21 của dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có thẩm quyền này. Theo đại biểu Phương quy định này còn có vấn đề chưa phù hợp, cụ thể đối với người đi vay được Chính phủ bảo lãnh, trên thực tế Chính phủ phải cam kết với người cho vay là trả nợ thay.

Nếu người vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ, thì với tư cách là người đại diện cho Chính phủ tham gia đàm phán ký kết các điều ước quốc tế tại sao Ngân hàng Nhà nước lại không có thẩm quyền thẩm định các phương án vay ưu đãi hoặc vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ?

Mặt khác, Điều 21 của dự thảo quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước nhưng không quy định về thẩm định vay có bảo lãnh của Chính phủ; và ngay cả Điều 19 về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, hay Điều 20 về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không quy định thẩm quyền này. Như vậy, nếu các chủ thể tự vay vốn theo các điều ước quốc tế được Chính phủ bảo lãnh, ai là người thẩm định phương án vay?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Quản lý nợ công 2009, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn và tổ chức đăng ký các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng được Chính phủ bảo lãnh.

Nhưng theo quy định tại Điều 21 dự thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có thẩm quyền này. Theo hướng dẫn tại khoản 15 Điều 3 của dự thảo, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh giới hạn đối tượng là doanh nghiệp và Ngân hàng Chính sách.

Như vậy, về đối tượng được bảo lãnh đã hẹp hơn nhưng về thẩm quyền hướng dẫn thực hiện các khoản vay chưa phù hợp. Bởi vì, theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.

Khoản 1 Điều 4 được Luật Ngân hàng nhà nước quy định, hoạt động của Ngân hàng nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn của hệ thống thanh toán quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, ngoài chức năng quản lý, Ngân hàng Nhà nước còn là ngân hàng của các tổ chức tài chính tín dụng, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội, với chức năng quản lý của mình, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm quản lý đối với toàn diện các tổ chức tín dụng.

Xét về mặt tổng thể của nền kinh tế, dù là chủ thể công hay chủ thể tư, khi đi vay vốn nước ngoài của tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế thì cũng là nợ chung của đất nước, nếu không có sự hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về các quy định này hay thông lệ quốc tế, hậu quả là dù có bảo lãnh hay không cũng là tổn thất chung của quốc gia.

Trong xu thế hội nhập, việc vay của các chủ thể tư cần có sự bảo lãnh của Chính phủ ngày càng có xu hướng phát triển để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Nếu không có sự hướng dẫn của chủ thể hiểu rõ về các luật quốc tế mà đó là Ngân hàng Nhà nước, có thể Chính phủ sẽ phải gánh chịu những rủi ro này.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Phương kiến nghị bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước thành khoản 2 Điều 21 như sau: “Thẩm định các phương án vay nước ngoài, vay của các tổ chức tiền tệ ngân hàng quốc tế có bảo lãnh của Chính phủ, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, Ngân hàng Chính sách của Nhà nước thực hiện đăng ký các khoản vay theo quy định”.

Về xung đột thẩm quyền giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khoản 19 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn quản lý việc vay trả nợ, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật. Nếu theo quy định này, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn là quản lý việc vay, trả nợ nước ngoài, trong đó có nợ công.

Tuy nhiên, Điều 19 của dự thảo quy định Bộ Tài chính có nghĩa vụ, quyền hạn giúp Chính phủ thống nhất quản lý về nợ công như kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, nghĩa vụ của người bảo lãnh đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Như vậy sự xung đột sẽ được giải quyết như thế nào giữa một văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực pháp luật và một dự thảo luật đang được xem xét, ở góc độ quản lý nhà nước đã phát sinh sự xung đột về thẩm quyền?

Đại biểu Phương cho rằng Ban soạn thảo, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần bàn bạc, xem xét để công tác quản lý chặt chẽ, tránh chồng chéo, không hiệu quả trong quản lý nợ công sau này.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây