Điều kiện xét công nhận người có uy tín

Thứ năm - 10/10/2013 00:00 88 0
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có bổ sung một số quy định về điều kiện, quy trình xét công nhận người có uy tín.

 

Mỗi thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu là người dân tộc thiểu số được bình chọn 1 người có uy tín - Ảnh minh họa

Quyết định nêu rõ, đối tượng được hưởng chính sách là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cần đảm bảo các tiêu chí: Là công dân Việt Nam, cư trú hợp pháp, ổn định ở vùng dân tộc thiểu số; bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú; có nhiều công lao, đóng góp xây dựng và bảo vệ thôn, bản, buôn, làng, phum, sóc, ấp, tổ dân phố và tương đương (sau đây gọi là thôn), giữ gìn đoàn kết các dân tộc.

Ngoài các tiêu chí trên, Quyết định cũng bổ sung tiêu chí người có uy tín phải là người tiêu biểu, có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc, thôn và cộng đồng dân cư nơi cư trú; có mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó với đồng bào dân tộc, hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Mỗi thôn bình chọn 1 người có uy tín

Mỗi thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu là người dân tộc thiểu số được bình chọn 1 người có uy tín.

Trường hợp thôn không đủ điều kiện hoặc có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống trong thôn, căn cứ tình hình thực tế và đề nghị của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Trưởng Ban dân tộc tỉnh tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định số lượng và việc bình chọn người có uy tín trong thôn theo quy định, nhưng tổng số người có uy tín không vượt quá tổng số thôn vùng dân tộc thiểu số của địa phương.

Hội nghị liên ngành thôn (Chi ủy, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể thôn do Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì) bình chọn, lập danh sách gửi UBND xã, phường, thị trấn rà soát, đề nghị UBND xem xét, tổng hợp gửi Ban Dân tộc tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách người có uy tín.

Hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, quyết định đưa ra khỏi danh sách những người không còn uy tín hoặc đã chết và bình chọn bổ sung người có uy tín theo quy định.

Người có uy tín qua đời được chính quyền các cấp đến thăm viếng, hỗ trợ vật chất

Theo Quyết định, hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn do hậu quả thiên tai; bố, mẹ, vợ, chồng, con, bản thân người có uy tín qua đời được cấp ủy, chính quyền các cấp đến thăm viếng, động viên, hỗ trợ vật chất. Mức chi không quá 2.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan Trung ương; không quá 1.000.0000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp tỉnh; không quá 500.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp huyện.

Người có uy tín trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà bị thương nếu đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 27 của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được hưởng chính sách như thương binh; nếu hy sinh mà đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 17 của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận liệt sỹ và được hưởng các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Theo chinhphu.vn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây