Dự án sản xuất tinh bột mì sau khi thực hiện công suất 240 tấn tinh bột/ngày; Dự án yêu cầu thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thi công xây dựng và đưa Dự án đi vào hoạt động phải đảm bảo các nguồn phát sinh chất thải được thu gom, xử lý triệt để, đáp ứng các yêu cầu được quy định tại các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) bao gồm thiết kế, xây dựng hệ thống thu gom nước mưa riêng biệt với hệ thống thu gom xử lý nước thải; thu gom và xử lý toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động của Dự án đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột A, hệ số Kq = 0,9, Kf = 1,0 trước khi xả thải ra suối Xa Cách; Thu gom, xử lý bụi và khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất của Dự án đảm bảo đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ QCVN 19:2009/BTNMT, cột B, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với một số chất hữu cơ QCVN 20:2009/BTNMT và các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành có liên quan khác bắt buộc áp dụng trước khi thải ra môi trường; Thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu các nguồn phát sinh bụi, khí thải phát sinh trong giai đoạn thi công, xây dựng và đưa Dự án đi vào hoạt động sản xuất đảm bảo môi trường không khí xung quanh đạt QCVN 05:2013/BTNMT, QCVN 06:2009/BTNMT.
Trong quá trình thi công xây dựng và đưa Dự án đi vào hoạt động sản xuất phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tiếng ồn và độ rung được quy định tại QCVN 26:2010/BTNMT, QCVN 27:2010/BTNMT; Thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ các loại chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, bùn, đất; chất thải nguy hại trong quá trình thi công xây dựng và đưa Dự án đi vào hoạt động đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường và tuân thủ các quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Đảm bảo diện tích đất trồng cây xanh theo đúng quy định của pháp luật; Thực hiện các yêu cầu về vệ sinh công nghiệp, phòng chống cháy, nổ, an toàn lao động và các rủi ro sự cố môi trường khác trong giai đoạn thi công xây dựng và đưa Dự án đi vào hoạt động theo các quy định của pháp luật hiện hành; Đảm bảo kinh phí để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; Thực hiện đầy đủ chương trình quản lý và giám sát môi trường như đã trình bày trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu chủ dự án có các trách nhiệm lập và gửi kế hoạch quản lý môi trường của Dự án để niêm yết công khai theo quy định của pháp luật; Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các điều kiện nêu trên và các nội dung bảo vệ môi trường khác đã đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; Báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường để được kiểm tra, xác nhận hoàn thành trước khi đưa Dự án vào vận hành chính thức theo quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường; Trong quá trình thực hiện Dự án có những thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, Chủ dự án phải có văn bản báo cáo và chỉ được thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Tây Ninh.
Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án là căn cứ để cấp thẩm quyền xem xét, quyết định các bước tiếp theo của Dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường. UBND tỉnh ủy nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
TĐ