Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 138/CP, tình trạng MBN xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, gần 90% trường hợp MBN ra nước ngoài, số còn lại là các trường hợp mua bán trong nội địa; số vụ mua bán người vì mục đích hôn nhân chiếm 16,65% trên tổng số vụ MBN. Tại 17 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam, như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh… đã phát hiện 98 vụ môi giới hôn nhân trái phép, 52 vụ tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả, với 457 đối tượng tham gia, lừa bán 1.496 nạn nhân. Lực lượng công an các địa phương đã phối hợp với ngành liên quan xác định 24 tuyến, 63 địa bàn trọng điểm, 76 tụ điểm thường diễn ra hoạt động mua bán người; dựng 87 đường dây, 235 đối tượng đang có biểu hiện phạm tội mua bán người để đấu tranh, triệt phá; lên danh sách đưa vào diện quản lý nghiệp vụ 356 đối tượng; lập danh sách hơn 1.000 nạn nhân bị bán ra nước ngoài; hơn 52.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài và gần 3.500 trẻ em cho nhận con nuôi người nước ngoài để có biện pháp theo dõi, quản lý và hỗ trợ kịp thời. Qua thống kê, nạn nhân thường là những phụ nữ trong độ tuổi kết hôn, sống tại các vùng nông thôn nghèo, hẻo lánh, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, hiểu biết xã hội còn hạn chế. Một số phụ nữ khác lại có lối sống thực dụng, muốn lấy chồng nước ngoài để “đổi đời”. Thậm chí, có nhiều chị em phụ nữ mong muốn lấy chồng ngoại nhằm thực hiện ước mơ thay đổi cuộc sống, kiếm được nhiều tiền để phụ giúp gia đình… nên dễ bị bọn tội phạm lừa gạt bán ra nước ngoài.
Nhằm ngăn chặn tình trạng bọn tội phạm lợi dụng, lừa gạt phụ nữ bán ra nước ngoài theo hình thức môi giới hôn nhân, đảm bảo hôn nhân trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và tiến bộ, nhất là trong vấn đề kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài, từ năm 2004 đến nay, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức quán triệt những vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, thành lập 18 trung tâm hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài, giúp chị em phụ nữ thấy được những thuận lợi cũng như khó khăn, rủi ro có thể gặp phải khi lấy chồng nước ngoài. Bộ Tư pháp với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, đã phối hợp Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan xác lập cơ chế thông tin về tình hình công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, đồng thời ký kết thỏa thuận với các nước hữu quan về vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tập trung những nước có đông cô dâu hoặc nạn nhân là người Việt Nam bị bán (Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malayxia…) thực hiện công tác bảo hộ; phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại ngăn chặn tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp, giúp các trường hợp phụ nữ Việt Nam bị gia đình nhà chồng ngược đãi, lừa bán trở về nước. Các dự án hợp tác quốc tế về truyền thông, tư vấn hôn nhân có yếu tố nước ngoài và di cư an toàn, xây dựng mô hình điểm, hỗ trợ nạn nhân, xây dựng chính sách pháp luật… cũng được tích cực thực hiện. Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo lực lượng chức năng các địa phương, nhất là các tỉnh giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia chủ động phối hợp trao đổi thông tin, xác minh, điều tra, bắt giữ tội phạm, giải cứu và tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.
Nhất quán hơn, Bộ Công an đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp kịp thời xác minh, giải quyết cho người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam theo quy định pháp luật; ban hành các kế hoạch chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, mở đợt điều tra rà soát, kiên quyết triệt xoá các cơ sở môi giới hôn nhân bất hợp pháp, các tụ điểm tổ chức cho người nước ngoài xem mặt, chọn vợ, đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về ANTT, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhân hộ khẩu, quản lý người nước ngoài, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.
Ngoài ra, công an các địa phương đã chủ trì, phối hợp với lực lượng Biên phòng mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp TPMBN tập trung trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia và các tỉnh, thành phố trọng điểm. Qua đó đã điều tra khám phá nhiều vụ MBN, triệt xoá các trung tâm môi giới trá hình, các tụ điểm lợi dụng việc kết hôn và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để lừa đưa phụ nữ ra nước ngoài bán. Từ năm 2008 đến nay, lực lượng Công an, Biên phòng các địa phương phía Nam đã điều tra, khám phá 132 vụ, bắt 349 đối tượng để truy tố; tổ chức giải cứu, tiếp nhận 648 nạn nhân. Sau khi được tiếp nhận, đã có trên 50% được áp dụng các chính sách hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật; được dạy nghề, tìm việc làm, vay vốn với lãi xuất thấp, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.
T.G