Đặng Thị Hiệt - nữ anh hùng liệt sĩ quyết tử với quê hương

Thứ tư - 22/07/2015 16:00 126 0
Chị Đặng Thị Hiệt sinh năm 1926, tại ấp Long Công, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, xuất thân trong một gia đình nông dân.

Khi lớn lên chị lập gia đình và về xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng sinh sống. Cùng thời gian này, chị bắt đầu tham gia cách mạng. Năm 1949, khi bọn địch lấn chiếm đồn bót ở Cầu Xe (Đôn Thuận) để ngăn chặn đường giao thông tiếp tế của ta về căn cứ Bời Lời, chị được tổ chức phân công làm quân báo cho Huyện đội Trảng Bàng. Trong thời gian tham gia kháng chiến chị đã hoạt động rất tích cực, chẳng những tổ chức binh địch vận, xây dựng cơ sở nội tuyến trong lòng địch để nắm chắc hoạt động của địch chính xác, mà còn phục vụ cho lực lượng cách mạng đánh địch và tiêu diệt địch.

Năm 1945, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chị Hiệt vẫn được phân công tiếp tục làm công tác quân báo. Ngoài công tác này, chị còn tham gia tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, chống bắt người dân vô tội, hăng hái, tích cực trong công tác vận động quần chúng đấu tranh chống mọi âm mưu của địch từ xã cho đến khu Trảng Bàng. Địch đã nhiều lần tổ chức bao vây bắt chị, nhưng nhờ lực lượng quần chúng bảo vệ tốt nên chúng không bắt được chị.

Ngày 02/2/1955, chị Đặng Thị Hiệt được kết nạp vào Đảng và được phân công phụ trách Chi bộ ấp Cầu Xe. Tại đây,  chị đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, đặc biệt vào tháng 02/1958, chị đã huy động bà con trong ấp mang gậy gộc, giáo mác truy cản địch bắt bớ người dân vô cớ. Từ sáng đến chiều, trên đoạn đường dài hơn 3 km từ Trảng Cỏ đến Cầu Xe, cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt đã giành thắng lợi, giải thoát được một số thanh niên và đồng bào. Sau cuộc đấu thanh này, tiếng vang đã lan rộng và phong trào đấu tranh càng phát triển. Bị thất bại, bọn địch càng cay cú, quyết bắt bằng được chị.

Đầu năm 1959, chị Hiệt được cấp trên phân công về ấp Long Công, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu là nơi sinh trưởng để hoạt động. Chị được giao nhiệm vụ vận động đồng bào theo đạo đấu tranh trực diện với địch, và cũng tại đây chị Hiệt đã bị cơ sở cách mạng phản bội chỉ điểm. Ngày 10/4/1959, chị bị bắt với tài liệu mang bên mình. Trong lúc địch đang kiểm tra các tài liệu, chị đã chụp lấy tài liệu xé nát và nhai trong miệng để phi tang. Địch đưa chị đến bờ sông tra tấn bằng cách nhận nước suốt ngày, nhưng chị vẫn không khai báo một lời. Địch đưa chị về tạm giam tại bót Bàu Đồn, chúng tiếp tục tra tấn dã man suốt 3 ngày, nhưng chị vẫn không khai báo. Sau cùng địch dùng biện pháp thâm độc là bắt mẹ ruột của chị hăm he, đánh đập buộc phải khuyên con đầu hàng. Địch còn đánh chị chết đi sống lại nhiều lần trước mặt người mẹ. Mẹ của chị vì quá thương con, khuyên con khai báo để được thả.

Giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản, chị trả lời với mẹ: "Má hãy về đi, Hiệt con của má làm việc chính nghĩa, rủi sa cơ bị chúng bắt, chúng giết con Hiệt này của má, thì còn hàng trăm, hàng ngàn con Hiệt khác trả thù".

Trước hành động kiên cường của chị , chúng đưa chị về giam tại huyện Gò Dầu. Tại đây, suốt 10 ngày, chúng dùng đủ mọi cực hình để tra tấn như xẻo vú, lấy cổ chai bể để thọt vào âm đạo của chị. Khi tỉnh dậy, chị hốt máu vẩy vào mặt bọn ác ôn, có lần chị dùng mũi cây dừa đánh vào đầu tên đang tra tấn mình. Suốt 10 ngày chết đi sống lại nhiều lần, chị vẫn không khai báo một lời. Bọn ngụy ở Gò Dầu bất lực không khai thác được gì ở chị, phải đưa chị về giam tại Khám đường Tây Ninh, và hơn một năm bị giam tại đây, chị vẫn giữ vững khí tiết trước những đòn tra tấn của địch. Trong nhà tù, chị Hiệt luôn vận động chị em trong tù đấu tranh đòi quyền sống và đòi thả những người bị bắt giam cầm vô cớ. Chị được chị em trong tù hết sức thương yêu và tin tưởng.

Ngày 10/4/1960, bọn ngụy kêu tên thả lầm chị Hiệt, về chưa đến nhà, địch cho người đến bao vây nhà mẹ của chị để bắt lại, nhưng chị vẫn thoát khỏi. Bọn chúng tống giam tên gác khám 02 tháng với nghi vấn thông đồng với chị, và treo giải thưởng cho ai bắt được chị.

Khi chị Hiệt về đến ấp Cầu Xe, xã Đôn Thuận, Đảng bộ và nhân dân, gia đình hết lòng chăm sóc thuốc men, nhưng do bị tra tấn dã man, dẫn đến bệnh quá nặng phải nằm liệt giường cả năm. Nhưng mỗi khi nghe tin địch càn vào gom dân ở ấp Cầu Xe, chị vận động bà con khiêng chị ra đấu tranh trực diện với địch.

Năm 1960, chị đi lại được, mặc dù vết thương còn lở loét vẫn tiếp tục tổ chức nhiều cuộc đấu tranh. Có lần chị dẫn trên 700 người đến Sài Gòn đấu tranh với chính quyền ngụy.

Trong thời gian này, chị được vinh dự cử đi dự Hội nghị báo cáo điển hình của Miền được tổ chức tại Đồng Xoài (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Tại hội nghị, với đông đủ đại biểu các tôn giáo, trí thức, khi nghe chị tố cáo các tội ác của giặc, mọi người rất căm phẫn và xúc động. Cấp trên định đưa chị ra miền Bắc để điều trị vết thương, nhưng chị xin ở lại miền Nam để chiến đấu.

Năm 1963, chị Hiệt được phân công giữ chức Phó Bí thư xã Đôn Thuận, phụ trách lực lượng du kích. Năm 1965, chị giữ chức Bí thư xã Đôn Thuận. Đêm 26/3/1966, Chi bộ xã mở phiên hợp bất thường để bàn kế hoạch chống gom dân của địch, vào lúc 20 giờ bị máy bay thả bom rơi ngay vào nơi đang họp, chị Hiệt đã hy sinh, 02 cấp ủy viên khác bị thương nặng. Chị Đặng Thị Hiệt có người con trai độc nhất tên Trần Văn Riêng tham gia lực lượng vũ trang tỉnh (D14) với chức vụ đại đội trưởng cũng đã hy sinh.

Chị Đặng Thị Hiệt hy sinh là một tổn thất vô cùng to lớn của Đảng bộ xã Đôn Thuận. Thành tích  của chị gắn liền với thành tích bảo vệ căn cứ địa cách mạng của quân và dân xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Đảng bộ và nhân dân xã Đôn Thuận vô cùng thương tiếc và cảm phục gương hy sinh dũng cảm chiến đấu quên mình của chị.

Anh hùng – nữ liệt sĩ Đặng Thị Hiệt được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 31/7/1998.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây