Quyền trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh Trịnh Ngọc Phương tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII
PV: Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân được thực hiện trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2001), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (năm 2003), Luật Tổ chức HĐND và UBND (năm 2003). Vậy sao lần này Quốc hội lại phải xây dựng Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND thưa ông?
Ông Trịnh Ngọc Phương: Qua nhiều năm thực hiện, thực tiễn cho thấy việc thi hành quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân đã bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Cụ thể, luật không quy định cụ thể việc giám sát đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở địa phương, và giới hạn phạm vi giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân; chưa phân định rõ giữa hoạt động giám sát với khảo sát; một số hoạt động giám sát đã được quy định nhưng chưa được thực hiện trên thực tế như thành lập Uỷ ban lâm thời…
Từ đó, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được xây dựng với tinh thần thể chế hoá các nghị quyết của Đảng, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND trong thời gian tới, bảo đảm Hiến pháp và pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
PV: Trong dự thảo, luật quy định nội dung lựa chọn nhóm vấn đề để đưa ra chất vấn trước Quốc hội. Có ý cho rằng việc quy định này khó bảo đảm khách quan, khó phản ánh hết ý chí của đại biểu và của cử tri, bởi vấn đề mà ĐBHQ muốn chất vấn có khi không nằm trong nhóm vấn đề được lựa chọn. Ý kiến của ông thế nào?
- Ông Trịnh Ngọc Phương: Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân và phù hợp với quy định tại Điều 80 của Hiến pháp, dự thảo luật đã quy định về việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn theo hướng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét trên cơ sở cân nhắc một cách toàn diện các vấn đề có liên quan.
Theo tôi, vấn đề này không có gì phải băn khoăn, vì dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy trình chất vấn và trả lời chất vấn cụ thể hơn để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Những vấn đề chất vấn không nằm trong nhóm phát biểu thì đại biểu gửi phiếu chất vấn theo quy định tại khoản 4 Điều 16.
Người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn mà không được uỷ quyền cho người khác trả lời thay (các Điều 16, 27, 61 và 70 của dự thảo luật).
Tuy nhiên, theo tôi thì cần bổ sung vào dự án luật: Các kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội cũng là căn cứ để tổ chức chất vấn, thay vì chỉ là căn cứ vào yêu cầu, kiến nghị của đại biểu Quốc hội như hiện nay. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội chất vấn những vấn đề không thuộc nhóm trả lời chất vấn, thì người được chất vấn phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
PV: Tại mục 3, Điều 9 dự thảo luật quy định về quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát: Từ chối trả lời, cung cấp thông tin không thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc thông tin thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước. Có ý kiến lo ngại rằng quy định như vậy dễ dẫn đến trường hợp đối tượng chịu sự giám sát sẽ lạm dụng, gây khó khăn, né tránh, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ông nghĩ sao?
- Ông Trịnh Ngọc Phương: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 9 dự thảo luật trình Quốc hội (kỳ họp thứ 9) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có quyền từ chối trả lời, cung cấp những thông tin không thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức cá nhân đó hoặc những thông tin thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bởi vì các chủ thể này không thể cung cấp những thông tin không thuộc phạm vi của mình được. Đối với thông tin thuộc bí mật Nhà nước chủ thể giám sát không thuộc diện được tiếp cận thì cũng không thể cung cấp được; còn nếu chủ thể giám sát thuộc diện được tiếp cận thì đối tượng chịu sự giám sát vẫn phải cung cấp cho chủ thể giám sát.
Tuy nhiên, sau kỳ họp thứ 9, qua ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tôi tán thành việc UBTVQH chuyển nội dung của Khoản 3 Điều 9 từ quyền của đối tượng được giám sát trở thành trách nhiệm của đối tượng được giám sát quy định tại khoản 1 Điều 8 và thể hiện như trong dự thảo luật. Như thế sẽ bảo đảm sự chặt chẽ của quy định, tránh việc lạm dụng, gây khó khăn, cản trở, né tránh hoạt động giám sát hoặc hạn chế quyền của chủ thể giám sát.
PV: Thực tế cho thấy, hiệu quả của hoạt động giám sát ở cả cấp trung ương (Quốc hội) và ở địa phương (hội đồng nhân dân các cấp) vẫn còn hạn chế. Có ý kiến nhận định rằng, một trong những nguyên nhân chính là do các cơ quan thực hiện giám sát nhưng lại không có biện pháp chế tài đối với cơ quan, tổ chức được giám sát. Ý kiến của ông ra sao về vấn đề này?
- Ông Trịnh Ngọc Phương: Trước hết tôi đồng quan điểm với cách đặt vấn đề của phóng viên đưa ra. Một trong những khâu còn hạn chế trong việc thực hiện chức năng giám sát của các cơ quan dân cử trong thời gian qua là vấn đề hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.
Do đó, dự thảo luật đã bổ sung một số quy định nhằm làm rõ hơn nữa trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Đó là cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu giám sát;
Giải quyết kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân, các ban của hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân; nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hội đồng nhân dân.
Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có trách nhiệm trực tiếp trình bày những vấn đề mà cơ quan tiến hành giám sát nêu ra; trường hợp uỷ quyền cho người khác trình bày thì phải được cơ quan đó đồng ý.
Trường hợp có hành vi cản trở thì các chủ thể giám sát có quyền yêu cầu cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
PV: Cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn.
Theo BTNO