32 tỉnh, thành phía Nam tập huấn về công tác thông tin đối ngoại

Thứ năm - 22/10/2015 11:00 104 0
Ngày 21/10, tại Hội trường thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác thông tin đối ngoại phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và triển khai Nghị định về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí đến từ 32 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

tap huan doi ngoai 2.JPG

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh phát biểu khai mạc Hội nghị.​

Tham dự Hội nghị có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về công tác thông tin đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Phó Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Tất Thành Cang. Đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng đến dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh nhấn mạnh, bối cảnh thế giới hiện nay có những diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản còn có những khó khăn, thách thức đan xen… tạo ra những vấn đề mới, yêu cầu mới đối với sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 5 năm tới là thời kỳ Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN, WTO, thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, hội nhập với tầm mức sâu rộng hơn… đòi hỏi các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại phải tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Việc tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác đối ngoại nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về thông tin, tuyên truyền đối ngoại; cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thông tin đối ngoại và triển khai Nghị định quản lý Nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe giới thiệu khái quát về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đánh giá về công tác quản lý Nhà nước cũng như các quy định về hoạt động thông tin đối ngoại, công tác đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ nhân quyền chống phá Việt Nam trong tình hình mới. Chuyên đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là việc Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP báo cáo. Theo ông Trần Quốc Khánh, Hiệp định TPP đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như: giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0%, các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thuỷ sản... sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này. Ngoài ra, việc tham gia TPP giúp Việt Nam có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Thêm vào đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài… Về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp ta có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong việc tham gia TPP là sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra…

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc và định hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, góp phần đẩy mạnh cơ chế kinh tế theo định hướng thị trường, trong đó có cả vấn đề về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước. Các nước đánh giá cao việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia năng động, nhất quán thi hành đường lối đổi mới, nghiêm túc trong việc thực thi cam kết quốc tế, có môi trường chính trị ổn định, có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và là một đối tác quan trọng trong hiện tại và tương lai, có thể giúp tăng ảnh hưởng của TPP.

Đặng Hoàng Thái

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây