Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh: Cần mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất ở một số vùng để nâng cao hiệu quả

Chủ nhật - 17/07/2016 10:00 99 0
Sáu tháng đầu năm nay, trên địa bàn Tây Ninh, thị trường một số mặt hàng nông sản không ổn định, đang ở mức thấp theo hướng bất lợi cho người dân; mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ dù có nhiều khởi sắc nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất…

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh.

PV đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh xung quanh những vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết những nét khái quát  trong lĩnh vực trồng trọt của ngành nông nghiệp Tây Ninh trong 6 tháng đầu năm 2016?

Ông Võ Đức Trong: Sáu tháng đầu năm, giá cả một số nông sản các cây trồng truyền thống không ổn định và duy trì ở mức thấp. Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng các cây hàng năm ước đạt 167.534 ha, tăng 0,5% so với cùng kỳ, bằng 66,6% so với kế hoạch năm. Trong đó, gieo trồng vụ Đông Xuân đạt 102.534 ha, tăng 6,3% so với cùng kỳ, bằng 99,4% so với kế hoạch vụ.  Hiện người dân đã thu hoạch dứt điểm vụ Đông Xuân 2015-2016 và đang theo dõi vụ Hè Thu 2016.

Mặc dù ảnh hưởng tình hình thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài nhưng tổng diện tích gieo trồng không giảm, một số loại cây như lúa, mía có giảm do thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng sang phát triển cây khác như rau, quả vừa giảm lượng nước sử dụng nước và tăng hiệu quả kinh tế. Trong vụ Đông Xuân, hầu hết các loại nông sản năng suất tăng hơn so cùng kỳ, như mía (đạt 76,5 tấn/ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ), rau các loại (tăng 3,2% so với cùng kỳ),…

Mặc khác, do diễn biến thời tiết bất thường, ngành trồng trọt phải đối mặt với những khó khăn về các loại sâu bệnh trên cây trồng như nhện đỏ trên cây mì, bọ trĩ gây hại trên cây ớt, đặc biệt là tình trạng thối củ trên cây khoai mì đang lan rộng, nhưng các biện pháp dự báo và phòng trị chưa kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, giá cả các loại nông sản liên tục giảm gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân. Điển hình như cao su, khoai mì… đều tụt giá, trong khi giá mía đường tuy có tăng nhưng lại không đáng kể.

Nông dân xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu phơi lúa sau vụ thu hoạch.

Phóng viên: Trong tình hình sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, tự phát như hiện nay thì mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rất được người dân quan tâm. Ông có thể thông tin rõ hơn về những kết quả mà ngành nông nghiệp thực hiện trong thời gian gần đây?

Ông Võ Đức Trong: Về mô hình liên kết sản xuất đầu tư và tiêu thụ, những sản phẩm truyền thống được tổ chức khá tốt trong thời gian qua như mía đường, thuốc lá, bắp giống; các trang trại chăn nuôi heo, gia cầm…

Cụ thể, vụ Đông Xuân 2015-2016 và Hè thu, tỉnh đã chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đối với lúa cho nông dân với tổng diện tích khoảng 3.500 ha, với 2.500 hộ dân tham gia. Bước đầu, các mô hình này đã có hiệu quả, điển hình như: Dự án lúa chất lượng cao An Thạnh được Công ty Bình Điền cung ứng phân bón và Công ty VIPESCO cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, toàn bộ lúa thương phẩm được Công ty Nông sản Việt ký hợp đồng bao tiêu với giá thu mua chênh lệch so với thị trường là 50 đồng/kg.

Phóng viên: Thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ làm gì để khắc phục những hạn chế và giúp cho nông nghiệp phát triển bền vững?

Ông Võ Đức Trong: Có thể thấy, hiện hiệu quả sản xuất trên một số cây trồng truyền thống và giá trị doanh thu trên đơn vị rất thấp. Vì vậy, cần mạnh dạn chuyển đổi một số mô hình sản xuất ở một số vùng để nâng cao hiệu quả.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tuy cũng còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, để góp phần nâng cao năng suất chất lượng nông sản, ngành cần làm tốt hơn nữa công tác dự tính dự báo; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, tìm kiếm thị trường nông sản phẩm trước khi xây dựng vùng nguyên liệu; xây dựng và cụ thể hoá các chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào sản xuất.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây