Định hướng phát triển ngành chăn nuôi để góp phần bảo vệ môi trường

Thứ tư - 05/08/2015 10:00 58 0
Trong thời gian qua, các mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng được nhân rộng và phát triển theo xu hướng trang trại với quy mô ngày càng lớn. Mô hình này phần nào hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải và chất thải trong chăn nuôi so với các hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ.

channuoi.jpg

Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học (Ảnh minh họa)

Ngành chăn nuôi của tỉnh thời gian qua phát triển với tốc độ tương đối ổn định, theo thống kê, số lượng đàn heo của tỉnh hiện nay vào khoảng 220.500 con, tốc độ tăng bình quân của đàn heo mỗi năm vào khoảng 0.93%/năm, tổng đàn gia cầm vào khoảng 6 triệu con, tăng bình quân là 11,68%/năm. Sản phẩm chăn nuôi tăng đã phần nào đáp ứng được cơ bản nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì công tác đề bảo vệ môi trường, hạn chế sự tối đa sự ảnh hưởng của chất thải trong hoạt động chăn nuôi ra môi trường là vấn đề đã và đang được tính đến trong định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh.

Trong hoạt động chăn nuôi sẽ phát sinh bốn loại chất thải: nước, rác, khí và mùi. Bốn loại chất thải này là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Với quy mô chăn nuôi trang trại thì việc xử lý chất thải hầu hết được thực hiện theo quy trình. Tuy nhiên, đối với các hộ chăn nuôi gia đình, chăn nuôi nhỏ lẻ thì vấn đề xử lý chất thải vẫn chưa được nhiều người dân quan tâm.

 Chất thải trong chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, tài nguyên đất, làm phát sinh và lây lan nhiều dịch bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng và tính bền vững của ngành chăn nuôi.

Phát triển chăn nuôi đang là xu hướng được tỉnh lựa chọn để phát triển kinh tế, xu thế phát triển chăn nuôi hiện nay là giảm dần tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo các phương thức trang trại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và kiểm soát được vấn đề dịch bệnh.

Để mô hình kinh tế trang trại tiếp tục được hình thành và phát triển ngày càng lớn mạnh, tỉnh đã đề ra định hướng phát triển và một số các giải pháp thực hiện như sau:

Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo các phương thức trang trại để từng bước thay thế cho phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã được hình thành từ lâu trong cộng đồng.

Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất chăn nuôi nhằm không ngừng nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành, tạo ra sản phẩm hàng hoá chất lượng cao.

 Phòng ngừa và hạn chế sự ô nhiễm, suy thoái môi trường trong quá trình phát triển ngành chăn nuôi, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Từng địa phương của tỉnh có quy hoạch quỹ đất cho vùng chăn nuôi tập trung phù hợp với vệ sinh môi trường có định hướng lâu dài, chăn nuôi tập trung quy mô lớn, nhất là các vùng gần thị trường tiêu thụ, vùng chăn nuôi phải dễ dàng kiểm soát được vấn đề dịch bệnh.

Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi hỗ trợ về vốn để đầu tư các cơ sở chăn nuôi gia súc, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hỗ trợ đào tạo, tập huấn kiến thức và tay nghề cho cán bộ chăn nuôi thú y cơ sở, người chăn nuôi, chủ trang trại nhằm nâng cao trình độ, áp dụng kỹ thuật vào các công đoạn chăn nuôi để tăng năng suất, chăn nuôi có hiệu quả và an toàn đối với dịch bệnh.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với kinh tế trang trại, đảm bảo các chủ trang trại thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

Cát Tường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây