Gương sáng biên cương

Thứ ba - 04/08/2015 16:00 121 0
Đoạn biên giới giữa hai nước Việt Nam- Campuchia thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và huyện Mi Mốt, tỉnh Kông Pông Chàm, ngày này thể hiện một sức sống mới với bao cánh đồng đang rộ chín dưới nắng trưa hay trảng rừng cao su bát ngát phía hoàng hôn. Thành quả ấy được dệt bằng tình hữu nghị bền chặt của anh em hai dân tộc Việt Nam – Campuchia, bằng đôi tay chai sần, bằng ý chí biến sỏi đá, bom đạn thành lương thực, hoa màu của những người nông dân hiền hòa, lặng lẽ góp đời mình cho đất như ông Bùi Văn Nghĩa ở ấp Tân Cường, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Từ lúc nào không ai nhớ rõ, bà con Khmer hai bên biên giới này đã gọi ông bằng cái tên thân thương đầy kính trọng: Tà Nghĩa!

guongsang_.jpg

Ông Nghĩa (áo trắng) trao đổi tình hình biên giới với các đồng chí Biên phòng Tân Hà

 

Đất lạ níu chân người

Trong tiếng Khmer, từ "Tà" có nghĩa là ông lớn và chỉ dùng để gọi những người có công giữ đất, giữ làng, trừ gian, diệt ác, bảo vệ dân lành hoặc người có uy tín, có tâm thiện được bà con yêu mến, kính trọng. Mọi người gọi lão nông này là Tà Nghĩa, bởi tất cả những gì ông đã làm trong suốt mấy chục năm qua đều hướng đến lợi ích chung cho bà con ở đôi bờ biên giới, trên tinh thần hòa hợp dân tộc, đoàn kết giữa nhân dân hai nước chứ không hề có chút nào vụ lợi cá nhân. Danh xưng "ông lớn" mà bà con đặt cho lão nông Bùi Văn Nghĩa vừa là niềm tự hào của một đời người, cũng lại vừa là điểm tựa khích lệ ông luôn gắng sức hơn nữa để xứng đáng với danh xưng ấy.

Vùng biên giới này vốn dĩ không phải nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Bùi Văn Nghĩa được biên chế vào lực lượng lính thông tin phục vụ đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa Trung ương Cục miền Nam với các chiến trường. Sau giải phóng, đi qua vùng đất Tân Hà khi ấy chỉ toàn rừng cỏ tranh và lác đác vài ba phum, sóc Khmer, có điều gì đó đã níu chân ông lại. Và ông đã làm một việc hết sức trái ngược với mọi đồng đội của mình là quyết định ở lại sinh cơ lập nghiệp trên đất biên cương, vùng đất mà người lính thông tin như ông đã ít nhiều thông thuộc sau bao lần luồn rừng rải dây, lần tìm mối đứt…

Ông Bùi Văn Nghĩa vẫn luôn giữ tính cách của một nông dân Nam Bộ tay lấm, chân bùn thứ thiệt. Thấy điều gì đúng, có lợi cho mọi người là ông làm tới, điều gì sai ảnh hưởng đến mọi người, đến an ninh biên giới là ông tìm cách ngăn chặn, bài trừ cho bằng được. Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất nằm sát bên đường biên giới quốc gia, nếm trải biết bao ấm lạnh, vui buồn ở chốn biên thùy thì cũng chừng ấy thời gian ông sống trọn nghĩa vẹn tình với quân dân ở hai bên biên giới.

Tân Hà ngày nay là cái tên được nhắc đến nhiều về địa phương tiêu biểu trong xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước láng giềng… Trong đó đều có những giọt mồ hôi và công sức của Tà Nghĩa.

Xây dựng Tổ Liên kết sản xuất vùng biên

Nhớ lại vào khoảng mùa mưa năm 2000, một số bà con Khơme thuộc xã Ruông (huyện Mi Mốt, tỉnh Kông pông Chàm, Campuchia) phía đối diện đã tập trung hàng trăm người, dùng trâu bò, đồng loạt sang cày, bừa, cấy lúa ngay trên đất của các hộ dân Việt Nam đang canh tác. Bức xúc trước hành động ngang nhiên phá hoại tài sản hoa màu của mình, bà con nông dân ở đây quyết giành lại đất. Hai bên giằng co nhau gần cả tuần lễ. Ngày ấy, phải nhờ đến chính quyền các cấp và lực lượng quân đội của hai bên đứng ra can thiệp tình hình mới tạm ổn. Sau vụ việc ấy, nhân dân hai bên bờ biên giới cắt đứt quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, thậm chí còn kêu gọi tẩy chay hàng hóa của nước đối diện. Ruộng đất giáp biên thì không ai dám làm, khu vực làm được thì nông sản không nơi tiêu thụ... bà con nông dân cả hai bên đều thiệt hại về kinh tế lẫn tinh thần.

Ngày ấy, tuy rằng đất của ông Nghĩa nằm gần khu vực đó và không bị lấn chiếm nhưng nhìn thấy tình đoàn kết bấy lâu nay trong phút chốc bị rạn nứt chỉ vì vài thửa ruộng, ông Nghĩa đau lòng lắm. 

Được sự hỗ trợ của Đội Công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tân Hà, cộng với lợi thế có nhiều kinh nghiệm về ngôn ngữ, về phong tục, tập quán của phía bạn, ông Nghĩa quyết tâm hàn gắn lại tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới theo cách riêng của mình.

Từ những hiệu quả ban đầu của ông Nghĩa, Đồn Biên phòng Tân Hà nảy ra ý tưởng liên kết bà con nông dân lại cùng nhau sản xuất, cùng nhau bảo vệ đất đai hoa màu, đường biên mốc giới. Được bà con nông dân tán thành, đầu mùa mưa năm 2011, Tổ Liên kết sản xuất vùng biên Tân Hà do ông Nghĩa làm tổ trưởng được ra đời từ đó.

Vào vụ cấy trồng, hễ ông Nghĩa cùng bà con nông dân Việt Nam trồng cây gì, chăm sóc ra sao thì đều chia sẻ, hướng dẫn bà con nông dân Campuchia làm y như thế. Những trường hợp bà con phía bạn gặp khó khăn về vốn giống, nông cụ sản xuất, ông Nghĩa và bà con nông dân Việt Nam đều vui lòng chia sẻ.

Gương sáng biên cương

Cứ thế, hết mùa vụ này sang mùa vụ khác, bà con nông dân hai bên biên giới luôn hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống, lúc thì cho bạn mượn trâu bò cày đất, khi thì máy gặt, máy kéo vận chuyển hàng nông sản. Thậm chí, nhiều lần ông Nghĩa còn đến các cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu tại xã Tân Hà để bảo lãnh cho bà con nông dân Campuchia được mua phân, mua thuốc thiếu đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Sự đoàn kết, tôn trọng, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau đã giúp cho cánh đồng biên giới xã Tân Hà và xã Ruông luôn thanh bình, đầy ắp tình hữu nghị. 

Chưa dừng lại đó, đến cuối vụ thu hoạch nông sản, ông vận động bà con nông dân Việt Nam giúp bạn sân phơi. Rồi tiếp tục giới thiệu những thương lái có uy tín thu mua hàng nông sản cho bạn, nhằm tránh tình trạng bị thương lái ép giá.  

Biên cương thắm tình hữu nghị

Những năm qua, hai đất nước, hai dân tộc đã cùng nhau bàn thảo về vấn đề hoạch định biên giới, tiến hành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa. Nhân dân và chính quyền hai bên đã cùng thống nhất về vị trí đặt cột mốc, xác định đường biên. Cột mốc mang số hiệu 100 được xây dựng giữa cánh đồng trở thành chứng nhân cho tình nghĩa thủy chung giữa nhân dân hai dân tộc. Người Khmer ở đây nói rằng, con số 100 sẽ mang lại nhiều may mắn và thuận lợi cho việc canh nông của họ. Và sau mỗi lần làm đồng đuối sức, không kể người Việt hay người Campuchia, dân tộc Kinh hay dân tộc Khmer, những người nông dân thuần phác này lại tới ngồi bên cột mốc, chia cho nhau điếu thuốc rê, trao đổi dăm ba câu chuyện về ruộng đồng mùa vụ.

Trúng mùa, được giá, hết vụ này qua vụ khác, rồi hết năm này sang năm khác, từ chuyện sản xuất đến việc qua lại trao đổi hàng hóa, mua bán thăm thân, đã khiến cho bà con nông dân Campuchia nhận ra rằng không gì tốt bằng khi biên giới luôn được hòa bình, hữu nghị. Từ đó, tình cảm của nhân dân hai nước cũng ngày càng sâu đậm, các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao cũng thường xuyên diễn ra hơn. Trước kia, những trận bóng chuyền giao hữu giữa thanh niên xã Tân Hà và xã Ruông của nước bạn là điều không tưởng, vậy mà bây giờ, cứ chiều đến là thanh niên hai bên lại đến mượn tạm sân bóng của Đồn biên phòng Tân Hà để vui chơi, tập luyện. Đây không chỉ là niềm vui của nhân dân đôi bờ biên giới, nó còn là niềm mong ước của chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước bấy lâu nay.

Từ đó, mới thấy biết bao trân trọng những nghĩa cử đơn sơ nhưng mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng người Khmer nơi đây của một lão nông. Và cũng chính ông đã làm nên một vẻ đẹp Việt đầy nhân ái, khoan dung trong lòng người dân nước bạn.

Thái Thành

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây