Kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý môi trường nông thôn theo hướng tập trung và toàn diện

Thứ bảy - 01/08/2015 16:00 40 0
Ô nhiễm môi trường nông thôn đã và đang trở thành vấn đề cấp bách. Nhận thức được vấn đề đó, công tác Bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn đã được chú trọng nhiều hơn. Tuy nhiên, quản lý môi trường nông thôn vẫn còn có nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ khác nhau. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho vấn đề ô nhiễm môi trường tại nhiều vùng nông thôn chưa được cải thiện, thậm chí có xu hướng xấu hơn.

Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về BVMT nông thôn đã được hình thành và dần đi vào hoạt động ổn định theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Ở cấp Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) được giao trách nhiệm quản lý thống nhất về môi trường, quản lý môi trường làng nghề; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được giao trách nhiệm quản lý các ngành nghề nông thôn, trong đó có thành lập các đơn vị chuyên trách về môi trường. Ngoài ra, một số Bộ/ngành khác cũng được phân công trách nhiệm quản lý một số hoạt động có liên quan như Bộ Xây dựng có trách nhiệm quản lý hoạt động cấp nước, thoát nước, xử lý CTR và nước thải tại làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung; Bộ Công thương có trách nhiệm quản lý hoạt động của các CCN; Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý chất thải từ các cơ sở y tế.

Ở cấp địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)  là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý môi trường của địa phương, trong đó bao gồm trách nhiệm quản lý hoạt động BVMT của khu vực nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  (NN&PTNT) chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương, trách nhiệm này còn được quy định phân cấp quản lý đến cấp huyện, xã.

Hiện nay, công tác quản lý môi trường nông thôn còn đan xen, thiếu đơn vị đầu mối quản lý nhiều mảng còn bỏ ngỏ. Trong những năm qua, ngay từ cấp Trung ương, công tác quản lý môi trường nông thôn chưa có đơn vị đầu mối quản lý. Mặc dù, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT là đơn vị đầu mối quản lý môi trường nói chung nhưng ngay trong quy định về chức năng nhiệm vụ cũng chưa nêu rõ trách nhiệm về quản lý môi trường nông thôn. Bộ NN&PTNT và một số bộ ngành khác được phân công trách nhiệm quản lý môi trường ngành, lĩnh vực mình quản lý. Theo đó, đối với từng lĩnh vực cụ thể mà công tác quản lý còn có sự đan xen, có những nội dung chồng chéo nhưng cũng có những nội dung còn đang bỏ ngỏ.

Công tác quản lý chất thải rắn (CTR) ở vùng nông thôn còn chồng chéo và chưa nhận được sự quan tâm đầu tư thích đáng. Theo phân công trách nhiệm, Bộ Xây dựng được giao thống nhất quản lý nhà nước về CTR, tuy nhiên, CTR từ hoạt động nông nghiệp lại được giao cho Bộ NN&PTNT quản lý, chất thải nguy hại (trong đó có chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và làng nghề) do Bộ TN&MT quản lý. Chính sự đan xen trong phân công trách nhiệm quản lý CTR khiến cho công tác quản lý thiếu sự thống nhất, không rõ trách nhiệm của đơn vị đầu mối. Chưa kể đến, đối với công tác quản lý CTR sinh hoạt nông thôn, gần như đang bị bỏ ngỏ.

Đối với công tác quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn: Luật Tài nguyên nước 2012 giao Bộ TN&MT quản lý tài nguyên nước trên phạm vi cả nước (Điều 70). Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và cung cấp nước sạch tại khu vực đô thị lại được giao cho Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý. Riêng khu vực nông thôn, các cơ sở hạ tầng cấp nước (bao gồm nước sạch) được giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng và quản lý. Vệ sinh môi trường nông thôn là khái niệm rất rộng, tuy nhiên ở nước ta, VSMT nông thôn thường được hiểu là chuồng trại và nhà tiêu hợp vệ sinh. Việc phân công kiểm tra nhà tiêu hợp vệ sinh thuộc Bộ Y tế, việc xây dựng nhà tiêu và vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lại do Bộ NN&PTNT quản lý.

Đối với công tác quản lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): việc sử dụng, thu gom, lưu giữ thuốc BVTV thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, việc xử lý, tiêu hủy các bao bì thuốc BVTV, xử lý các kho hóa chất, thuốc BVTV tồn lưu lại thuộc trách nhiệm Bộ TN&MT theo quy định về quản lý CTNH.

Đối với công tác quản lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp: việc quản lý môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp được giao các Tổng cục và Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT quản lý. Theo đó, Tổng cục Thủy lợi phụ trách môi trường nước trong hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước sạch; Tổng cục Thủy sản phụ trách môi trường trong hoạt động sản xuất thủy sản (khai thác, chế biến, đóng tàu cá) và bảo tồn nguồn lợi thủy sản; Tổng cục Lâm nghiệp phụ trách các khu bảo tồn, các vườn quốc gia, bảo tồn ĐDSH; Cục Trồng trọt phụ trách việc sử dụng phân bón, kiểm soát sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen làm giống cây trồng; Cục Bảo vệ thực vật quản lý việc sử dụng hóa chất phòng, trị bệnh cây trồng...

Ở cấp địa phương, các Sở NN&PTNT cũng được giao chủ trì thực hiện công tác BVMT trong nông nghiệp, nông thôn cấp tỉnh10, cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, ở hầu hết các địa phương, Sở NN&PTNT chưa có bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên đơn vị này chỉ tham gia phối hợp với Sở TN&MT trong các vấn đề liên quan đến quản lý môi trường nông thôn. Đây cũng là vấn đề bất cập khi không có những quy định thống nhất về hệ thống tổ chức quản lý môi trường nông thôn.

Bên cạnh đó, trách nhiệm, năng lực của đơn vị quản lý và thực thi chưa cao. Việc phân công trách nhiệm đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc triển khai thực thi theo trách nhiệm của từng ngành, từng cấp còn nhiều tồn tại. Hiện nay, công tác quản lý môi trường bị lồng ghép vào các chức năng quản lý ngành sẽ không tránh khỏi nhiệm vụ BVMT bị đưa xuống hàng thứ yếu so với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH. Tuy nhiên, mô hình này không còn phù hợp với định hướng phát triển bền vững đất nước của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Ở cấp địa phương cũng đã chú ý đến việc ban hành các văn bản liên quan nhằm cụ thể hóa các đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ ở địa phương mình. Một số địa phương đã xây dựng Đề án bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bình Phước, Vĩnh Long... Căn cứ theo tình hình thực tế và định hướng phát triển nông thôn của từng địa phương, các mục tiêu và chương trình, dự án ưu tiên được xây dựng.

Đối với các hoạt động phát triển nông nghiệp nông thôn, các địa phương cũng đã xây dựng các văn bản hướng dẫn, yêu cầu triển khai thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm, vấn đề sử dụng thuốc, hóa chất BVTV... Một nội dung cũng đã và đang được hầu hết các địa phương tổ chức triển khai thực hiện theo đúng lộ trình của Chương trình mục tiêu quốc gia đó là việc triển khai nhóm tiêu chí về môi trường trong Chương trình nông thôn mới cho các xã trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường nông thôn, thiết nghĩ, các Bộ, ngành, địa phương  cần kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nông thôn từ Trung ương đến địa phương bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả.

(Bài viết trích lược nội dung đánh giá, phân tích từ Báo cáo môi trường nông thôn năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây