Đoàn ĐBQH Tây Ninh: Cần có quy định riêng về an toàn xả lũ

Thứ hai - 14/11/2016 09:00 60 0
Đại biểu Trần Lưu Quang - Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh cho rằng dự thảo Luật Thuỷ lợi chưa quy định cụ thể về vấn đề an toàn trong xả lũ, đề nghị Luật nên có một chương riêng về vấn đề an toàn khi xả lũ.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang - Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh trao đổi với các đại biểu bên lề phiên họp.

Mới đây, tại phiên thảo luận Tổ đối với dự án Luật Thuỷ lợi, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh (thuộc Tổ thảo luận số 15, cùng với các đoàn Sơn La, Cao Bằng và Phú Yên, do đại biểu Trần Lưu Quang– Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh làm Tổ trưởng) nhấn mạnh, việc ban hành Luật Thuỷ lợi là rất cần thiết do Pháp lệnh trước đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế liên quan đến khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi, cũng như nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, các đại biểu thống nhất với những quy định tại Điều 1 và Điều 2 dự án Luật. Theo đó, Luật này quy định về hoạt động thuỷ lợi; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động thuỷ lợi, quản lý nhà nước về thuỷ lợi. Đồng thời, luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động thuỷ lợi trên lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Đại biểu Trần Lưu Quang– Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu về Điều 41 dự thảo luật quy định định mức sử dụng nước, mua, bán, trao đổi quyền sử dụng nước từ công trình thuỷ lợi, dự thảo luật quy định với tinh thần kêu gọi tiết kiệm trong sử dụng nguồn nước. Theo ông, quy định như dự thảo dễ gây ra tình trạng các đơn vị sẽ xin trữ lượng nước lớn, sau đó sử dụng ít lại, xem như là đã tiết kiệm và có quyền bán lại trữ lượng nước còn dư.

Do vậy, tại khoản 2 “Tổ chức, cá nhân sử dụng nước tiết kiệm được phép mua, bán, chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định”, đại biểu Quang đề nghị, cần quy định cụ thể hơn và có một cơ chế nhất định để tránh lạm dụng trong trường hợp này. Đối với khoản 4 Điều 41 dự thảo luật quy định “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện điều này”, đại biểu Trần Lưu Quang đề nghị giao Chính phủ quy định cho phù hợp hơn, vì điều này còn liên quan đến vấn đề tài chính, đến các chế tài và rất nhiều các vấn đề liên quan khác.

Tại Chương V quy định về an toàn công trình thuỷ lợi, khoản 2, Điều 43 có quy định “Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác dịch vụ thuỷ lợi có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình”, theo đại biểu Trần Lưu Quang, hiện nay có một số công trình thuỷ lợi lớn, điển hình như công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng tại tỉnh Tây Ninh, ngoài việc phục vụ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, còn kết hợp với khai thác giao thông rất tốt trên 2 bờ kênh chính Đông và chính Tây. Do vậy, nếu chỉ để cho một đơn vị được phép khai thác công trình thuỷ lợi này trực tiếp quản lý là không khả thi, vì nó có liên quan đến quản lý an toàn giao thông. Đại biểu Quang đề nghị, nên có quy định về việc phối hợp với các cơ quan chức năng về quản lý giao thông trong công tác này.

Đại biểu Trần Lưu Quang cũng cho rằng dự thảo luật chưa quy định cụ thể về vấn đề an toàn trong xả lũ, đề nghị Luật nên có một chương riêng về vấn đề an toàn khi xả lũ.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị, quy hoạch thuỷ lợi không nên đưa vào luật này vì đã được quy định khá rõ trong Luật Quy hoạch.

Tại điểm d, khoản 3, Điều 13 quy định “Tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư được tạo điều kiện thực hiện quyền giám sát thực hiện quy hoạch thuỷ lợi”, đại biểu Phương cho rằng, quy hoạch là một trong quá trình thiết kế, thì không đảm bảo được tính khả thi trong việc giám sát của người dân.

Dự thảo luật có quy định về chính sách giá dịch vụ thuỷ lợi, đại biểu Phương cho rằng, giá dịch vụ chủ yếu là để thúc đẩy phát triển thuỷ lợi, tuy nhiên nếu bị hạn hán thì có đền bù hợp đồng cung cấp dịch vụ hay không, đề nghị cần làm rõ.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây