Có thể nói rằng, so với nam giới, phụ nữ có nhiều hạn chế, nhưng thực tế hiện nay phụ nữ đã và đang có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế và xã hội. Với gia đình, vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng. Họ là những người vợ, người mẹ mẫu mực, là nền tảng của sự hạnh phúc gia đình. Hơn nữa, trong văn hóa của người Việt Nam, gia đình là cái gốc của con người, là tế bào của xã hội. Gia đình có tốt thì xã hội mới phồn vinh, thịnh vượng và phát triển. Nhưng một thực tế đáng buồn hiện nay, vai trò của một số phụ nữ trong gia đình vẫn chưa được coi trọng, mọi người vẫn giữ định kiến lạc hậu. Một số phụ nữ phải sống trong những phong tục, lễ giáo truyền thống cổ hủ như "tam tòng, tứ đức". Người phụ nữ luôn bị gạt sang lề cuộc sống thiết yếu nhưng đầy tính gia phong cổ hủ, bị dồn nén vào khuôn khổ chật hẹp đời sống gia đình.
Thế nhưng trong cuộc sống phát triển hiện nay, khi đã có sự bình đẳng giới thì vai trò của phụ nữ được thể hiện một cách rõ nét nhất. Nếu nam giới là những trụ cột chính trong gia đình thì phụ nữ chính là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu. Hơn ai hết, tạo hóa đã ban cho họ một thiên chức rất cao quý là người vợ, người mẹ trong gia đình. Họ tạo ra con người để duy trì và phát triển của xã hội. Chính người phụ nữ lại có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự và phát triển của xã hội loài người.
Phụ nữ là mẹ của loài người, là linh hồn của cuộc sống. Đối với con cái, họ lại càng có một vai trò thiết yếu hơn. Họ chính là những người thầy, người mẹ chăm sóc, nuôi dạy con cái một cách tận tình và chu đáo nhất trong những lúc ốm đau cũng như khi con khóc. Họ là người tiếp xúc với con cái nhiều nhất thông qua các hoạt động hàng ngày. Chính điều này nam giới không thể so sánh và thay thế được. Do đó, một lần nữa vai trò của người phụ nữ lại càng được coi trọng.
Bên cạnh là người phụ nữ của gia đình, thì người phụ nữ Việt Nam còn có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Trong thời đại mới như hiện nay, người phụ nữ ngoài việc thực hiện thiên chức với vai trò là người vợ, người mẹ, người con thảo. Nhiều phụ nữ tham gia các hoạt xã hội hơn tham gia làm những công việc mà từ trước đến nay chỉ dành cho nam giới. Họ không ngừng nghiên cứu, trau dồi khả năng và không ít người trong số họ đã đạt đến những địa vị rất cao trong mọi lĩnh vực.
Theo báo cáo sơ kết 5 năm triển khai Chỉ thị số 03/CT-TLĐ ngày 18/8/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CBCCVCLĐ tỉnh Tây Ninh do Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh tổ chức vào ngày 06/8/2015, cho thấy nữ CBCCVCLĐ trong những năm qua với sự nỗ lực và học tập, trình độ chuyên môn của các chị em nữ CNVCLĐ tỉnh ngày càng nâng cao. Nữ CNVCLĐ tỉnh tích cực tham gia các phong trào "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" luôn được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, tạo điều kiện của chính quyền, lãnh đạo đơn vị để nữ CNVCLĐ phát huy khả năng đầu tư nghiên cứu khoa học, đã có nhiều đề tài, công trình sản phẩm, việc làm hữu ích đăng ký hoàn thành vượt thời gian với năng suất, chất lượng, hiệu quả có lợi cho Nhà nước và đơn vị. Kết quả đạt được: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh trao tặng: 66 Cờ thi đua toàn diện, 565 bằng khen tập thể, cá nhân, có 2.602 cá nhân công nhận danh hiệu thi đua cấp tỉnh, 11 cán bộ chuyên trách Công nhận được tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ, 05 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Với những thành tích đã đạt được, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nữ CNVCLĐ, các chị luôn phấn đấu trong công tác, học tập nâng cao trình độ, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở, có công trình nghiên cứu khoa học hữu ích, đạt giải cao trong các cuộc thi lao động sáng tạo.
Có thể thấy trong những năm qua, Tây Ninh đã triển khai phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CBCCVCLĐ trên địa bàn tỉnh luôn được nữ CNVCLĐ tham gia hưởng ứng nhiệt tình, qua đó nhận thấy rằng nữ CNVCLĐ tỉnh đã và đang đóng góp công sức, trí tuệ của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, là lực lượng lao động xã hội đông đảo góp phần quan trọng trong việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị của địa phương.
Phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Tây Ninh nói riêng. Họ là những người luôn đóng một vai trò quan trọng không những trong đời sống gia đình mà còn trong đời sống xã hội. Họ là cở sở cho một cuộc sống bền vững và hạnh phúc. Với những đóng góp và sự dâng hiến của mình, vai trò của người phụ nữ có một ý nghĩa thiết yếu và dĩ nhiên không ai có thể thay thế được họ. Bởi họ là những vẻ đẹp của cuộc sống, là tinh thần của nhân loại.
Kim Hà