Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật An toàn thông tin mạng

Thứ năm - 10/09/2015 10:00 85 0
Ngày 9.9, tại Văn phòng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh, ông Trịnh Ngọc Phương - quyền Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật An toàn thông tin mạng.

Dự hội nghị có đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND-UB.MTTQVN tỉnh và các sở, ngành liên quan cùng các công ty, doanh nghiệp đang cung cấp các dịch vụ mạng truyền thông trên địa bàn tỉnh.  

Ông Trịnh Ngọc Phương-quyền Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đóng góp một số ý kiến xoay quanh các vấn đề về quản lý mật mã dân sự; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; kinh doanh an toàn thông tin và trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.

Nhiều đại biểu cho rằng, đối với việc quản lý mật mã dân sự theo như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, giao cho Cơ quan mật mã quốc gia là Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm là chưa phù hợp, nên phân biệt rõ ràng giữa việc quản lý mật mã dân sự với quản lý nhà nước và quản lý mật mã các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, để giao trách nhiệm quản lý cho Ban Cơ yếu Chính phủ hay Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có Trung tâm Quản lý kỹ thuật số, vì thế, nên chuyển chủ thể quản lý nhà nước về mật mã dân sự từ Ban Cơ yếu Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông. Những hoạt động sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước phục vụ cho khối cơ quan, tổ chức nhà nước hiện nay đã có Luật Cơ yếu quy định và giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý.

Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng chỉ nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý về lĩnh vực chuyên môn, còn đối với lĩnh vực mật mã đảm bảo an ninh Quốc gia, an ninh Quốc phòng nên giao cho công an và quân đội quản lý.

Đối với vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, đại biểu cũng cho rằng, nên quy định cụ thể hơn về việc bảo vệ thông tin cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân theo Hiến pháp, Bộ Luật dân sự, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, cần bổ sung những quy định tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng (các điều 17, 18, 19, 20); bổ sung quy định về trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân của cơ quan Nhà nước (khoản 3 Điều 17) để không trùng lắp với các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định tại Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị, ông Trịnh Ngọc Phương giao Văn phòng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tổng hợp đầy đủ những  góp ý của các đại biểu. Các thành viên trong Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và có ý kiến góp ý dự thảo luật này tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

 

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây