Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Thứ tư - 09/09/2015 18:00 73 0
Nhằm chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII sắp tới, sáng 8.9, ông Trịnh Ngọc Phương- quyền Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đóng góp một số ý kiến xoay quanh các vấn đề: phương thức Giám sát và xử lý kết quả sau giám sát; chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; thực hiện giám sát chuyên đề; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND; vai trò phối hợp của MTTQ cùng Quốc hội, HĐND.

Ông Trịnh Ngọc Phương phát biểu tiếp thu ý kiến góp ý dự thảo Luật tại hội nghị.

Đối với vấn đề cần hay không cần có sự giám sát của Tổ đại biểu HĐND, có những ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật, quy định Tổ đại biểu HĐND là chủ thể có thẩm quyền giám sát để tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND.

Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, đây chỉ là hình thức tổ chức hoạt động của đại biểu HĐND, không có cơ cấu, tổ chức chặt chẽ, chính vì vậy không nên quy định trong dự thảo Luật về hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND.

Đối với việc giám sát theo chuyên đề của các Ban của HĐND, nhiều đại biểu cho rằng: Đây là điều cần thiết vì các Ban này có chuyên môn cao, qua giám sát sẽ giúp cho HĐND có thêm căn cứ vững chắc để quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đại biểu đề nghị giữ quy định về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Ban thuộc HĐND như trong dự thảo Luật.

Tại điều 53 luật này nói về chức năng giám sát văn bản của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu dự hội nghị cũng cho rằng, cần bổ sung quy định về trường hợp cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản không thực hiện kiến nghị giám sát hoặc thực hiện nhưng không đáp ứng được yêu cầu thì đại biểu Quốc hội báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định của pháp luật.

Trong dự thảo tại khoản 2 điều 67 lại ghi: HĐND ra nghị quyết về chất vấn khi xét thấy cần thiết, trong khi đó tại điều 62 có ghi chất vấn và trả lời chất vấn HĐND phải ra nghị quyết. Như vậy, tại điều 67 và điều 62 đã có sự mâu thuẫn nhất định.

Các đại biểu cũng góp ý một số ý kiến liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Đại biểu cho rằng, cần dứt khoát và rõ ràng trong việc quy định khi lấy phiếu tín nhiệm. Nếu người được lấy phiếu tín nhiệm không đủ số quy định thì chuyển qua bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng khi bỏ phiếu tín nhiệm vẫn không đạt yêu cầu thì đề nghị cá nhân này phải làm đơn từ chức. Nếu người này không từ chức thì cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành các bước tiếp theo, như vậy mới phù hợp và đảm bảo tính nghiêm minh.

Các đại biểu cũng kiến nghị, đối với các điều khoản trong Luật cần phải có sự thống nhất, tránh trường hợp mâu thuẫn ngay chính trong các điều của một Luật.

Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội nghị, ông Trịnh Ngọc Phương đã giao Văn phòng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu. Các thành viên trong Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và có ý kiến góp ý dự thảo luật tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây