Câu 111. Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử gồm những bước, công đoạn nào?
Trả lời:
Tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được tiến hành thông qua 05 bước cụ thể như sau:
Bước 1: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Bước 2: Tổ chức giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người của các đơn vị hành chính cấp dưới, của thôn, tổ dân phố để đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Bước 3: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bước 4: Lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bước 5: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Câu 112: Hội nghị hiệp thương là gì? Do cơ quan, tổ chức nào triệu tập và chủ trì?
Trả lời:
Hội nghị hiệp thương là hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Hội nghị hiệp thương ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì.
Hội nghị hiệp thương ở địa phương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp triệu tập và chủ trì để thực hiện công việc của hội nghị hiệp thương ở cấp mình.
Để bảo đảm dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành ba lần: hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; hội nghị hiệp thương lần thứ hai; hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Câu 113: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành hội nghị?
Trả lời:
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương được tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thành phần hội nghị gồm: Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự hội nghị.
Những nội dung chủ yếu của hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương gồm:
- Nghe giới thiệu Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Nghe giới thiệu dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân ở cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.
- Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu.
Số lượng người được dự kiến giới thiệu ứng cử phải nhiều đủ để qua các bước lựa chọn đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba bảo đảm số dư người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử ít nhất phải là 02 người.
Trên cơ sở số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến phân bổ cho các tỉnh, thành phố, việc dự kiến giới thiệu số lượng người dân tộc thiểu số, phụ nữ ứng cử ở các tỉnh, thành phố được phân bổ phải nhiều đủ để qua các bước lựa chọn đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba bảo đảm có 18% tổng số người trong danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội là dân tộc thiểu số và có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Hội nghị thảo luận để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Biên bản hội nghị ghi rõ nội dung hội nghị, thành phần hội nghị, tổng số người được triệu tập, số người có mặt, diễn biến và thỏa thuận cuối cùng của hội nghị.
- Biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp trung ương được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Câu 114: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành hội nghị?
Trả lời:
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội được tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử.
Thành phần hội nghị gồm: Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện trực thuộc.
Đại diện Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự hội nghị này.
Nội dung hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng tương tự như nội dung hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương.
Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị và được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh.
Câu 115: Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội như thế nào?
Trả lời:
Sau khi có kết quả hiệp thương lần thứ nhất về thỏa thuận cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến, chậm nhất là 90 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Mục đích của việc điều chỉnh là nhằm bảo đảm cơ cấu, thành phần, số lượng chung của đại biểu Quốc hội cũng như phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Lần điều chỉnh này là cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Câu 116: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương cho người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành hội nghị?
Trả lời:
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì hội nghị. Thành phần triệu tập và mời dự cũng như thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương là để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Hội nghị gồm những nội dung sau:
- Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; việc điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị; căn cứ vào sự thỏa thuận tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và các biên bản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi đến, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để hội nghị thỏa thuận về việc lập danh sách sơ bộ những người ứng cử.
- Bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người trong danh sách sơ bộ những người ứng cử.
- Biên bản hội nghị ghi rõ thành phần, số lượng người được triệu tập, số người có mặt, diễn biến và thỏa thuận cuối cùng của hội nghị.
- Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi biên bản và danh sách những người ứng cử đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Câu 117: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành hội nghị?
Trả lời:
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử.
Thành phần hội nghị, cơ quan triệu tập, chủ trì cũng như hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nội dung hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 44 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân:
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có).
Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị và được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử ở tỉnh.
Câu 118: Hội nghị cử tri nơi công tác đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành như thế nào?
Trả lời:
1. Việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.
2. Thẩm quyền chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri nơi công tác được thực hiện như sau:
a) Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác chuyên trách tại cơ quan Đảng các cấp thì ban lãnh đạo cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân công tác chuyên trách tại cơ quan Đảng các cấp thì người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị;
b) Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Quốc hội, Văn phòng
Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hoặc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ở những nơi đã có Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội). Người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đang công tác tại Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hoặc Văn phòng Hội đồng nhân dân (ở những nơi đã có Văn phòng Hội đồng nhân dân); đang công tác tại Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đang là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Ủy ban nhân dân cùng cấp. Người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan khác của Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị;
c) Người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp các cấp thì ban lãnh đạo của tổ chức triệu tập và chủ trì hội nghị.
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân công tác tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp các cấp thì người đứng đầu tổ chức phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị;
d) Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế thì người đứng đầu đơn vị phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị;
đ) Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân công tác tại Đảng ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã thì tổ chức hội nghị liên tịch giữa Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã do người đứng đầu cấp ủy triệu tập và chủ trì hội nghị;
e) Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các đơn vị vũ trang nhân dân thì do lãnh đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị;
g) Trường hợp nơi công tác hoặc nơi làm việc của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chưa có tổ chức Công đoàn thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.
3. Số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở những nơi có dưới một trăm cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm ít nhất là hai phần ba tổng số cử tri tham dự.
Nơi có từ một trăm cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị đại diện cử tri nhưng phải bảo đảm ít nhất là 70 cử tri tham dự. Tùy đặc điểm, tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban chấp hành Công đoàn phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phân bổ số lượng người để các tổ chức công đoàn trực thuộc cử đại diện tham dự; trường hợp không có tổ chức Công đoàn thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phân bổ số lượng người để các đơn vị trực thuộc cử đại diện tham dự.
4. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được mời tham dự hội nghị.
Câu 119: Hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành như thế nào?
Trả lời:
1. Việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử cư trú thường xuyên tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú dài hạn.
2. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị.
Thành phần dự hội nghị do Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để mời cử tri đến dự.
3. Số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nơi có dưới một trăm cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% số cử tri tham dự. Nơi có từ một trăm cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là 55 cử tri tham dự.
4. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố đã giới thiệu người ứng cử được mời tham dự hội nghị.
Câu 120: Nội dung và biên bản của hội nghị cử tri lấy ý kiến nhận xét về người ứng cử gồm những gì, được gửi đi những cơ quan nào?
Trả lời:
1. Tại hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc và nơi cư trú, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử.
2. Biên bản hội nghị cử tri phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị; trong đó, phải ghi rõ tổng số cử tri được triệu tập, số cử tri có mặt, ý kiến phát biểu và sự tín nhiệm của cử tri đối với từng người ứng cử. Việc gửi biên bản được quy định như sau:
a) Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến nhận xét về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức;
b) Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến nhận xét về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh trước khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức;
c) Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác lấy ý kiến về người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi cùng biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương trước khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức;
d) Biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu phải được gửi đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu phải được gửi đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ngay sau khi kết thúc hội nghị cử tri;
đ) Biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người tự ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ngay sau khi kết thúc hội nghị cử tri;
e) Biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú lấy ý kiến về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương ngay sau khi kết thúc hội nghị cử tri.